Nội dung chính:
- Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiết kiệm niêm yết không quá 9,5%, nhưng khách hàng có thể nhận mức lãi suất lên tới 12% nếu gửi tại quầy.
- Giai đoạn cuối năm, cận kề dịp lễ Tết, nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp tăng cao khiến các ngân hàng buộc phải tăng tốc hút tiền nhằm đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vay vốn.
Chiều 27/12/2022, phóng viên đã tiến hành khảo sát mặt bằng lãi suất tại một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Với yêu cầu gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng trong 12 tháng, phóng viên nhận được nhiều mức lãi suất ưu đãi trên 9,5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm ưu đãi cao nhất lên đến 12%/năm thuộc về Ngân hàng V. (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) với điều kiện khách hàng phải mua một gói bảo hiểm nhân thọ của công ty Hàn Quốc. Nhân viên cho biết 2 phương án lãi suất khác nhau cho số tiền gửi 2 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, cụ thể như sau:
Tình trạng “mua bảo hiểm - tăng lãi suất” cũng diễn ra tại chi nhánh Ngân hàng N. tại Hà Nội. Theo chia sẻ của chị Tuyết - một khách hàng từng đến Ngân hàng N. tham khảo biểu lãi suất tiết kiệm, chị được nhân viên giới thiệu về 2 mức án lãi suất khác nhau. Theo đó, với kỳ hạn 12 tháng, chị Tuyết sẽ nhận lãi suất niêm yết 9,4%/năm hoặc 12%/năm với điều kiện phải mua một gói bảo hiểm sức khỏe trị giá 3 - 5 triệu đồng, tùy thỏa thuận.
Chị Tuyết cho biết: “Kể cả với phương án 9,4%/năm, khách hàng vẫn có thể thương lượng lãi suất lên tới 10,4%/năm nếu gửi trên 500 triệu đồng”. Tuần trước, chị Tuyết thậm chí nhận được đề nghị lãi suất ưu đãi cao nhất 12,55%/năm với kỳ hạn một năm. Tuy nhiên, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm xuống còn 12%/năm từ chiều ngày 27/12 vừa qua.
Tại các chi nhánh ngân hàng khác nhau trên địa bàn quận 7 (TP.HCM), nhân viên tư vấn sẵn sàng đề nghị “trình giám đốc ký lãi suất ưu đãi” cao hơn từ 0,4 - 2,6%/năm so với lãi suất niêm yết nếu khách hàng gửi số tiền lớn.
Một ngân hàng quốc doanh tọa lạc tại đường Huỳnh Tấn Phát cũng đưa ra mức lãi suất ưu đãi cao hơn 1,2%/năm so với lãi suất niêm yết. Nhân viên ngân hàng này cho biết mức lãi suất ưu đãi đang cao hơn so với mặt bằng chung của nhóm Big 4 ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng T. (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng gửi trên 5 tỷ đồng. Hoặc tại chi nhánh Ngân hàng O. ở một địa phương, khách hàng cần gửi 13 tháng để được cộng thêm lãi suất, lên đến 2,1%/năm.
Tùy từng ngân hàng sẽ có chính sách ưu đãi và điều kiện kèm theo khác nhau như số tiền gửi tối thiểu, thời gian gửi hoặc mua bảo hiểm để tăng lãi suất,... Ngược lại, một số ngân hàng đã dừng áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng.
Ngân hàng tăng tốc hút tiền gửi, đảm bảo thanh khoản cuối năm
Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các hội viên đã thống nhất mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm cho các kỳ hạn (bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản nêu rõ sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất. Về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group từng chia sẻ: Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan quản lý đưa ra mức trần lãi suất huy động nhằm ổn định lãi suất và lạm phát. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN quy định trần lãi suất huy động của các tổ chức tài chính là 14%. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát lúc đó đã lên tới 18%. Với mức trần huy động này, đương nhiên các ngân hàng không thể huy động được tiền gửi từ người dân và doanh nghiệp. Ông Long cho biết thực tế, ở giai đoạn đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn là khoảng 18,5%, các ngân hàng nhỏ thanh khoản kém lãi suất còn cao hơn.
Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2022 lên mức 15% - 16% nhưng tính đến ngày 21/12, mức tăng thực tế mới chỉ đạt 12,87%.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định trong 10 ngày cuối năm, việc tăng trưởng tín dụng thêm 1 - 2 điểm % là “chuyện bình thường”. Cuối năm 2021, chỉ trong gần 1 tháng, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới 2,8%. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho thấy khả năng “tăng tốc” cho vay của toàn hệ thống ngân hàng trong tháng cuối năm nay.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng đang thấp hơn hẳn so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,8% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng tại cùng thời điểm lên tới 11,5%. Do đó, các ngân hàng phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm để khai thác tối đa nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư.
“Thu nhập của người dân giảm sút, chỉ đủ chi tiêu, không còn tiền dư để gửi ngân hàng. Doanh nghiệp giảm đơn hàng, khó khăn, trong khi vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thậm chí, xảy ra tình trạng các ngân hàng tăng lãi suất cạnh tranh nhau để giữ chân người gửi tiền.” - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ với Báo Tiền Phong.
Việc thu hút tiền gửi đã gia tăng sức ép lên toàn hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng còn đưa ra các tiêu chí về huy động tiền gửi đối với nhân viên - một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, liên quan trực tiếp đến khoản thưởng cuối năm.
“Việc “phá luật” hay không phụ thuộc vào tình hình thanh khoản của từng ngân hàng” - ông Phan Lê Thành Long nhận định.
*Dữ liệu đề cập trong bài viết được thu thập tại các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội trong chiều ngày 27/12/2022, những thay đổi sau thời gian này có thể chưa được phản ánh kịp thời trong bài viết.