Sau thời gian làm nhân viên văn phòng, Đoàn Hà (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM), chuyển hướng làm freelancer. Cô hài lòng với thu nhập từ 3 dự án cùng lúc, cho biết con số này đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu tại đô thị.
Tuy nhiên, đến cuối năm, Hà lại thiếu tiền. Không lương tháng 13, tất nhiên không có cả thưởng Tết, cô khẳng định mình không thể mua sắm, biếu gia đình thoải mái với số dư trong tài khoản.
"Năm vừa qua, bão giá và các đợt thanh toán hợp đồng trễ khiến tôi khó quản lý ngân sách cá nhân. Tết đến, tôi mới nhận ra mình cần nhiều tiền hơn nhưng không còn kịp xoay xở", Hà chia sẻ với Zing.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2022 của Tổng cục thống kê, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh. Trong đó, quá trình lạm phát, thị trường tài chính, tiền tệ không ổn định đã dẫn đến nhiều công ty gặp khó khăn.
Nhiều nhân sự trẻ lần đầu đối mặt với việc bị cắt giảm thưởng Tết, không có phúc lợi, hoặc bị sa thải đột ngột. Điều này khiến họ lo lắng, tìm cách tính toán, thắt chặt chi tiêu trước mùa tiêu xài nhiều nhất năm - Tết Nguyên đán.
Thiếu tiền
Suốt năm vừa qua, không phải đến văn phòng, quán cà phê là môi trường làm việc chính của Hà. Cô nhẩm tính mình chi khoảng 3 triệu đồng/tháng để "mua" nơi chạy deadline, tìm ý tưởng.
Vào mùa lễ, Tết, khi lên kế hoạch tiết kiệm, tiền cà phê nêu trên là khoản đầu tiên cô quyết định cắt bỏ.
"Tôi cũng hạn chế những buổi tụ tập, liên hoan dịp cuối năm. Nếu đi, mỗi buổi tốn đến 500.000 - 1 triệu đồng chứ chẳng ít", cô nói.
Cắt giảm vui chơi, giải trí vào cuối năm cũng là cách để Hoàng Cường (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) tiết kiệm nhằm có tiền tiêu Tết.
Cường là nhân viên tư vấn bán hàng (sale) tại một hãng xe ôtô, lương cứng hàng tháng chỉ vài triệu đồng, còn lại đều phụ thuộc vào những hợp đồng mua, bán xe được ký.
3 tháng cuối năm, anh không bán được nhiều xe như trước. KPI xuất kho được 2 chiếc xe/tháng không thể hoàn thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hàng tháng và lương, thưởng.
"Vài tháng trước, tôi còn rủng rỉnh tiền gửi tiết kiệm. Nhưng bây giờ khách hàng ít, lương tháng của tôi chỉ đủ sinh hoạt và những cuộc hẹn tư vấn cho khách", anh kể.
Trong khi đó, khi mua sắm đồ Tết, Phan Trang (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới bắt đầu tập thói quen ghi chép vào ứng dụng tài chính trên điện thoại. Cô cho đây là cách để biết mình đã tiêu bao nhiêu, còn từng nào để xài cho đến kỳ lương kế tiếp.
Làm việc trong lĩnh vực bất động sản, Trang cho biết thưởng Tết của toàn ngành năm nay không cao bằng các năm trước. Đây là tình trạng chung do sự xuống dốc của thị trường nhà đất trong nước.
"Lương, thưởng ít khiến tôi phải cân đo đong đếm hơn", Trang chia sẻ.
Một tháng gần đây, mỗi tối, cô đều cố gắng vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho ngày hôm sau.
Theo nhân viên này, việc chăm chỉ nấu nướng có thể giúp cô tiết kiệm ít nhất 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này có thể bù vào ngân sách mua sắm, chi trả một số dịch vụ trước Tết Âm lịch.
Cứu cánh bằng tiền tiết kiệm, thẻ tín dụng
Nhìn vào danh sách những thứ cần sắm sửa cho gia đình và bản thân vào dịp Tết, Cường khẳng định khoản thưởng cuối năm không thể đủ chi tiêu. Anh phải rút một phần tiền tiết kiệm trong ngân hàng ra để sử dụng, không biết khi nào mới bù lại đủ.
Muốn cha mẹ ở quê yên tâm về cuộc sống của mình ở thành phố, anh cho rằng bản thân phải chú trọng tới việc mừng tuổi, quà cáp cho gia đình.
"Tôi có gặp khó khăn cũng không muốn cha mẹ lo lắng. Tết đủ đầy, cho mẹ thêm tiền để mua sắm, trang hoàng nhà cửa là mong ước của tôi", anh tâm sự.
Chung quan điểm với Cường, Đoàn Hà cũng cho rằng năm mới là dịp cần thể hiện sự ổn định về tài chính cho gia đình yên lòng.
Vì thế, cô muốn biếu cho phụ huynh một số món quà có giá trị. Trong đó, chiếc TV màn hình lớn đang là ưu tiên hàng đầu của cô.
"Chỉ cần tiết kiệm đủ tiền, tôi sẽ lập tức đến siêu thị điện máy mua TV và đặt giao hàng về nhà. Mắt bố mẹ tôi đều kém, việc xem các chương trình trên màn hình lớn sẽ tốt hơn", Hà chia sẻ về món quà tặng phụ huynh.
Theo Hà, chiếc TV mà cô ưng ý đang có giá khoảng 40 triệu đồng. Trong trường hợp không kịp tiết kiệm đủ, cô sẽ tính toán phương án mua trả góp hoặc thanh toán bằng thẻ tín dụng cho số tiền còn thiếu.
"Đối với tôi Tết không phải dịp để so đo, tính toán. Năm sau, tôi sẽ cố gắng có thu nhập tốt hơn để cuối năm chi tiêu thoải mái, rủng rỉnh", cô tâm sự.
Tiêu Tết ra sao để tránh nợ nần
Theo khảo sát của Goodgood.vn, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát và tổng hợp báo cáo thị trường Việt Nam, trên 557 người tiêu dùng cả nam và nữ, thuộc độ tuổi từ 18-45 tuổi, sống và làm việc tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, các khoản chi phổ biến nhất trong dịp Tết 2023 là quà tặng (57%) và mua sắm quần áo (47%).
Kết quả cũng đưa ra những khoản chi phổ biến tiếp theo là mừng tuổi (45%) và mua bánh kẹo (42%).
Trong đó, món quà tặng Tết được nhiều người ưa chuộng nhất là bia, rượu, nước ngọt, bánh kẹo và trái cây. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM là 2 nơi có nhu cầu mua sắm cao nhất.
Ngoài những khoản chi tiêu trên thì năm nay, người dân cũng khá đầu tư vào một số khoản khác như thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, trang trí nhà cửa, du lịch, xe máy mới, điện thoại mới…
Trao đổi với Zing về câu chuyện tiêu dùng dịp Tết, chuyên gia tài chính Mina Chung, nhà sáng lập Money With Mina, cho rằng có 3 lưu ý mà người lao động trẻ cần ghi nhớ khi mua sắm cuối năm.
Thứ nhất, không để nợ. Nhiều cá nhân sẵn sàng mượn tiền, hoặc mua trả góp để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa. Họ tự tin khi cho rằng vẫn còn 12 tháng dài để xoay xở với những khoản nợ này.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại nhiều bất trắc khó lường, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Bị hạn chế cơ hội kiếm tiền, bạn sẽ rơi vào bế tắc với phần tiền chưa chi trả. Thay vào đó, hãy tập đo lường khả năng chi tiêu cá nhân. Nhờ vậy, bạn không phải loay hoay với quá trình trả nợ trong thời gian dài.
Thứ hai, thiết lập ngân sách cụ thể. Bạn cần xây dựng khoản ngân sách rõ ràng trước khi tiến hành sắm sửa. Bên cạnh đó, duy trì kỷ luật khi sử dụng tiền cũng là nhiệm vụ quan trọng. Bằng không, tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều phiền phức, dễ đánh mất niềm vui mùa Tết của bất kỳ ai.
Thứ ba, lên kế hoạch chi tiêu sớm. Đây là việc khá đơn giản, song lại ít được lưu tâm. Khi liệt kê những món cần chuẩn bị, bạn dễ dàng sắp xếp thời gian lựa chọn hàng trước, sắm sửa, hạn chế cảnh chật vật, chen chúc. Ngoài ra, bạn cũng có thể săn deal nhằm tiết kiệm hoặc mua thêm vài thứ theo sở thích.
Quan trọng nhất, lập kế hoạch sớm cho phép cá nhân được cân nhắc, so sánh thay vì phải bấm bụng chi tiền vì không còn lựa chọn tốt hơn. Nhờ đó, những ngày cuối năm, đầu Tết của bạn sẽ trôi qua nhẹ nhàng, trọn vẹn.