Đây là nội dung mà Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất 2021 – 2030 (tỉnh Lâm Đồng) thông báo trong văn bản số 1963 gửi UBND các huyện, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc về công tác lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của các huyện, thành phố.
Rà soát trên toàn tỉnh lâm đồng
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thẩm định) yêu cầu các địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 khẩn trương thực hiện rà soát, cập nhật và tích hợp đầy đủ các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành đang có hiệu lực thi hành vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương để đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục khi triển khai thu hút đầu tư xây dựng theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương nói trên kiểm tra, rà soát và không quy hoạch đất ở tại những khu vực có địa hình dốc, những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Các địa phương hoàn chỉnh các hồ sơ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/8/2023 để xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.
Sau khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 được phê duyệt, đề nghị các địa phương tổ chức công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh có địa hình đồi núi, độ cao trung bình 200 - 1.500m so với mực nước biển với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa… có độ dốc cao (trên 25 độ). Vùng địa hình có độ dốc cao chiếm 50%. Với đặc điểm này, kết cấu đất yếu, mỗi khi mưa lớn kéo dài dẫn tới nguy cơ sạt trượt đất rất cao. Qua rà soát, toàn tỉnh Lâm Đồng có 163 vị trí bị sạt lở và có và có nguy cơ sạt lở đất. Lâm Đồng đang nhờ các chuyên gia hỗ trợ xây dựng kịch bản ứng phó và đánh giá nguy cơ để chủ động phòng ngừa.
Công khai toàn bộ quy hoạch
Mới đây, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa ký Công văn số 6672 chỉ đạo tổ chức công bố, công khai đầy đủ các quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết thời gian qua, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức công bố công khai đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, qua theo dõi, một số đồ án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa kịp thời công bố, công khai hoặc có công bố, công khai nhưng nội dung còn hình thức, chưa đầy đủ, chưa phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông…
Từ thực tiễn đó đã dẫn đến việc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân chưa nắm bắt cụ thể các thông tin về đồ án quy hoạch, ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư.
Để kịp thời khắc phục, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, TP. Đà Lạt, Bảo Lộc căn cứ nhiệm vụ, chức năng được giao tổ chức công bố công khai toàn bộ nội dung các đồ án quy hoạch (trừ nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước) ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được phê duyệt).
Đồng thời, rà soát toàn bộ các đồ án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang có hiệu lực thi hành liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý để tiếp tục công bố, công khai bằng hình thức phù hợp và quản lý, thực hiện hiệu quả các đồ án quy hoạch.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh tổ chức công bố, công khai đầy đủ các đồ án quy hoạch thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh…