Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 (ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị) về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong.
Hướng đến thành phố trực thuộc Trung Ương
Nhiệm vụ đặt ra đến năm 2025, số lượng đô thị toàn tỉnh là 19 đô thị (1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 6 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V)… 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
Đến năm 2030, số lượng đô thị toàn tỉnh là 22 đô thị (1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V).
Lâm Đồng cũng sẽ tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng, gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các đô thị xanh, thông minh.
Trong đó, sẽ mở rộng không gian đô thị TP. Đà Lạt thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia và khu vực.
Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh, trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Đô thị Đức Trọng là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng.
Đô thị Di Linh là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Riêng đô thị Mađaguôi là trung tâm động lực kinh tế - xã hội 3 huyện phía Nam của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể: diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10m2 vào năm 2025; ở mức 10 - 15m2 vào năm 2030.
Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2…
Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045 cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn. Tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Số hóa đô thị
Cũng theo chương trình hành động đã đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành… tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các sản phẩm quy hoạch; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị theo kế hoạch. Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất.
Tạo điều kiện phát triển mạnh và bền vững để Lâm Đồng trở thành đầu mối giao thương quốc tế, quốc gia và 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng Tây Nguyên, vùng TP.HCM và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của vùng Nam Tây Nguyên với các trục hành lang kinh tế trọng điểm: Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Liên Khương - Nha Trang; Liên Khương - Buôn Ma Thuột và các tuyến Quốc lộ: 20, 55, 27, 27C, 28, 28B và đường Trường Sơn Đông.
Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng, bao gồm: việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E; xây dựng khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm; các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Liên Khương - Nha Trang, Liên Khương - Buôn Ma Thuột.
Các tuyến Quốc lộ: 20, 55, 27, 27C, 28, 28B và đường Trường Sơn Đông, hệ thống các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông kết nối đô thị, kết nối liên vùng của thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, đô thị Đức Trọng và một số huyện…