Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã bắt đầu hạ nhiệt, giảm 0,1-0,2% so với tháng 2, nhưng vẫn tăng 3,4-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý I, CPI ước tăng 4,2-4,3% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, lạm phát tăng trong quý I chủ yếu do các nhóm hàng hóa dịch vụ chiếm trọng số chính trong rổ tính CPI có xu hướng đi lên. Cụ thể, ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất (+7,2%), làm CPI chung tăng 1,4 điểm phần trăm.
Nhóm có chỉ số giá tăng nhanh thứ hai trong quý là các mặt hàng thực phẩm (+4,5%) chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm chỉ số CPI tăng khoảng 1%.
Bên cạnh đó, mức giá nhóm dịch vụ học phí giáo dục, giá điện sinh hoạt, giá gạo, văn hóa, giải trí và du lịch cũng đã góp phần làm tăng chỉ số CPI trong quý.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng giảm giá như xăng dầu (-11%), giá gas (-1,8%) hay nhóm bưu chính viễn thông (-0,3%), giúp CPI ba tháng đầu năm hạ nhiệt 0,01-0,4 điểm phần trăm.
Dẫu vậy, Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong những tháng tới trước những bất ổn tình hình quốc tế và nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Cơ quan này đưa ra ba kịch bản dự báo lạm phát năm nay với mức tăng 3,9-4,8% so với năm 2022.
Các kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở tính toán, dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI như xăng dầu, giá gas, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), giá điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.
Theo ước tính của đơn vị này, giả định 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.
Riêng trong tháng 4 và quý II, một số yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá như thời tiết chuyển sang mùa nóng cùng với việc có 2 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 nên quy luật hàng năm giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống có thể tăng. Đồng thời, giá một số nguyên vật liệu và điện, nước cũng sẽ có xu hướng tăng.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 9 tháng còn lại năm 2023, tại cuộc họp điều hành giá quý I, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ.
Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và lạm phát tác động đến Việt Nam. Đồng thời, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm, mặt hàng xây dựng... để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu.
Đối với chính sách tiền tệ, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự thảo Luật giá (sửa đổi) theo tiến độ, triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật để hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành giá đáp ứng yêu cầu của nhà nước trong tình hình giá mới.
Ngoài ra, cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông, nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.