Theo Bloomberg, trong những tuần qua, giá các nguyên liệu thô chủ chốt như dầu mỏ, kim loại hay bột mì đã dần chững lại, qua đó giúp giảm bớt áp lực cho hàng hoá công nghiệp và thực phẩm. Đồng thời, các chuỗi cung ứng giữa các nước cũng đang được nối lại dần sau đại dịch.
Hai điều này đã giúp giảm áp lực đầu vào đối với sản xuất hàng hóa, khiến người tiêu dùng dễ thở hơn trong thời buổi giá cả leo thang.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu có thể sớm hồi phục như cũ, và các ngân hàng trung ương lớn vẫn cần phải tiếp tục chiến dịch kiểm soát lạm phát của mình.
Lạm phát dần hạ nhiệt
Theo tổng hợp của Bloomberg, giá dầu thô Brent đã tụt khoảng 20% kể từ đầu tháng 6. Giá các mặt hàng khác như kim loại, gỗ và chip nhớ cũng đang giảm dần, còn chỉ số giá thực phẩm của Liên hợp quốc đã tụt tới gần 9% trong tháng 7, đạt mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Nguyên nhân chính giúp giá nguyên liệu thô hạ nhiệt có vẻ là do nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Người dân đang dần thay đổi thói quen mua sắm khi chi tiền nhiều hơn cho dịch vụ và hạn chế mua hàng hóa tiêu dùng.
Tuy nhiên, chuyển biến này cũng phản ánh tình hình tài chính khó khăn của nhiều hộ gia đình, khiến cho nền kinh tế toàn cầu chững lại.
Và mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhiều chuyên gia vẫn dự đoán rằng châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới do cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn bởi chính sách Zero-Covid và ảnh hưởng từ thị trường bất động sản trì trệ.
Mặt khác, chi phí để vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng đã rẻ hơn bởi các chuỗi cung ứng đang từ từ phục hồi sau cú sốc đại dịch. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu của FED chi nhánh New York đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Ông Randy Breaux - Chủ tịch của nhà cung ứng linh kiện Motion Industries (Mỹ), cho biết: “Trong đại dịch, tổng các đơn hàng của chúng tôi chỉ đạt 65% công suất, nhưng hiện giờ, tỷ lệ này đã tăng tới 90%”.
Chính vì vậy, các nhà phân tích tại JPMorgan Chase ước tính rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu sẽ giảm còn 5,1% trong nửa cuối năm nay - gần bằng một nửa so với mức đỉnh tháng 6.
Ông Bruce Kasman - nhà kinh tế trưởng của JPMorgan - thậm chí còn nhấn mạnh trong báo cáo: “Cơn sốt lạm phát đang dần thoái lui”.
Cơn sốt lạm phát đang dần thoái lui.
Ông Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan
Song, điều này không đồng nghĩa với việc thế giới sẽ sớm quay trở lại thời kỳ lạm phát thấp như trước đại dịch Covid-19. Đồng thời, các Ngân hàng Trung ương vẫn phải siết chặt các chính sách tiền tệ nhiều hơn để kiểm soát lạm phát.
Tiếp tục tăng lãi suất
Theo ông Robert Dent - nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, một tình trạng nguy hiểm hơn là rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ vướng vào "vòng xoáy tiền lương - giá cả".
Nguyên nhân là trong khi giá hàng hoá đã giảm phần nào, thì giá nhà thuê vẫn đang tiếp tục tăng cao do người lao động không đủ tiền mua nhà ở. Đồng thời, thị trường lao động thu hẹp cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ bắt buộc phải tăng lương để giữ người, và chấp nhận đẩy phần chi phí chênh lệch sang cho người tiêu dùng để duy trì lợi nhuận.
Tất cả những điều này đều có thể gây thêm áp lực lên lạm phát vào năm 2023 và thậm chí cả những năm sau nữa.
Chính vì vậy, các Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát đạt đỉnh.
Theo Bloomberg, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - mới đây đã có một bài phát biểu về các biện pháp chống lạm phát tại hội nghị thường niên Jackson Hole.
Trong bài phát biểu của mình, ông tuyên bố FED sẽ quyết tâm thắt chặt các chính sách tiền tệ một cách mạnh tay để chế ngự lạm phát, bất chấp một số thiệt hại về kinh tế. Đồng thời, ông Powell cũng để ngỏ khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong thời gian tới.
Bà Anna Wong - kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics - thậm chí còn nhận định rằng FED sẽ phải nâng lãi suất lên mức 5% để giải quyết bài toán lạm phát của Mỹ.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều dự định sẽ nâng lãi suất lần nữa vào tháng 9 tới.
Bà Isabel Schnabel - thành viên Ban Điều hành ECB - thậm chí còn lên tiếng kêu gọi những người đồng nghiệp ở các nước trong khu vực "cần phải mạnh mẽ hơn nữa" để kiểm soát đà tăng của giá cả.
Tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực đồng Euro tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021, CPI của Liên minh châu Âu (EU) còn vọt lên tới 9,8%, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 8,5%. Chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với tình trạng khủng hoảng năng lượng đã khiến Chính phủ nhiều nước châu Âu lo lắng.
Các ý kiến trái chiều
Ngoài ra, vẫn có một số nhà nghiên cứu tin rằng rằng lạm phát sẽ không trở lại mức trước đại dịch vì thế giới sắp sửa bước sang một trang mới. Xu hướng toàn cầu hoá đang yếu đi và thế giới sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trong một báo cáo mới đây, nhà kinh tế học Dario Perkins của TS Lombard đã dự đoán rằng những động lực như trên sẽ kết hợp với nhau và tạo ra một “siêu chu kỳ vĩ mô mới”.
Ông Perkins cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ “cố gắng ngăn chặn sự chuyển đổi này, ngay cả khi suy thoái”, nhưng họ "không thể cản trở sự thay đổi toàn hệ thống". “Kỷ nguyên lạm phát thấp đã chấm dứt”, ông cho biết.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia vẫn cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đợt lạm phát này đã dần đi qua.
Bà Priyanka Kishore của Oxford Economics cho biết: “Đỉnh lạm phát không còn xa nữa và sẽ sớm xuất hiện. Tất nhiên là sẽ có một số ngoại lệ, nhưng chủ yếu là do các yếu tố đặc trưng của quốc gia, chứ không phải do áp lực giá cả toàn cầu”.