Lạm phát ở EU nhìn từ ly cà phê
Theo dữ liệu vừa được Văn phòng Thống Kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 6/10 vừa qua, giá hạt cà phê và các nguyên liệu pha chế như đường và sữa trong tháng 8 năm nay đã tăng vọt so với cùng kỳ năm 2021.
"Giá cà phê tăng gần đây có thể khiến món đồ uống phổ biến vào bữa sáng này trở thành một thứ xa xỉ", theo tuyên bố của Eurostat.
Dữ liệu của Eurostat cho thấy, tính trung bình trong khối EU, giá hạt cà phê tăng 16,9%, giá sữa tươi nguyên kem tăng 24,3%, trong khi giá sữa tươi ít béo tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đường là nguyên liệu tăng giá mạnh nhất: 33,4% so với tháng 8/2021.
Dữ liệu của Eurostat cho thấy giá của 4 mặt hàng này tăng cao ở tất cả các nước thành viên EU, ngoại trừ Malta có giá sữa tươi ít béo không đổi.
Phần Lan và Litva là hai quốc gia có mức giá cà phê thay đổi nhiều nhất, với mức tăng lần lượt là 43,6% và 39,9%, theo sau là Thụy Điển và Estonia.
Tại Đức, giá sữa ít béo đã tăng 30,6%. Trong khi đó, giá đường tại Ba Lan tăng cao nhất: 109,2% so với tháng 8/2021.
Trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, lạm phát tiêu dùng chạm mức 9,1% trong tháng 8 vừa qua do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Theo ước tính nhanh của Eurostat, lạm phát tiêu dùng của khu vực này đạt mức cao kỷ lục mới là 10% trong tháng 9 vừa qua.
Theo đài CNN (Mỹ), nhiều người dân Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thu nhập giảm trong khi giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vì lạm phát, khiến họ phải thay đổi cách sinh hoạt và tiêu dùng, đặc biệt là vấn đề ăn uống.
CNN đã mở một cuộc khảo sát với đối tượng tham gia là các độc giả của họ, và câu hỏi là lạm phát đã ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của họ như thế nào. Nhiều người tham gia khảo sát nói rằng họ ít đi ăn uống ở bên ngoài hơn, mua ít thịt hơn, và từ bỏ những khoản tiêu xài hoang phí. Một số người cho biết họ rất lo lắng về tương lai.
Carol Ehrman cho biết bà là một người rất yêu thích nấu ăn, đặc biệt là món Ấn Độ và Thái Lan, nhưng giờ đây việc dự trữ các loại gia vị và nguyên liệu cần thiết cho những món ăn đó không còn khả thi đối với gia đình bà nữa.
"Những thứ từng có giá từ 250-300 USD, giờ đã tăng giá lên 400 USD", bà Ehrman nói.
Bà Ehrman, 60 tuổi và chồng, 65 tuổi, sống dựa vào khoản tiền an sinh xã hội, và chi phí thực phẩm tăng đã tăng thêm gánh nặng đối với hầu bao của họ.
Bà Ehrman cho biết giờ đây bà phải săn hàng giảm giá, tránh mua thịt bò và cố gắng nấu những bữa ăn đơn giản hơn trước. Bà cũng lựa chọn một số đồ đóng chai, đóng gói sẵn như sốt cà chua, thay vì tự làm, vì giá nguyên liệu tươi hiện đã tăng quá cao.
Ông Rick Wichmann, 64 tuổi và vợ cho biết trong những năm gần đây họ đã ít ra ngoài ăn hơn do đại dịch và họ cũng muốn ăn uống lành mạnh hơn. Với giá thực phẩm tăng cao do lạm phát như hiện tại, họ không thấy có lý do gì để thay đổi thói quen của mình.
"Đi ăn ở ngoài rất tốn kém", ông Wichmann nói.
Tuy nhiên, việc mua sắm thực phẩm cũng tốn kém hơn. Ông Wichmann nhận thấy rằng trong năm qua ông đã chi tiêu nhiều hơn khoảng 25% để mua sắm tạp hóa cho bản thân và gia đình so với trước đây.
Để giảm thiểu chi phí, ông Wichmann và gia đình cũng săn hàng giảm giá và tìm đến những nơi có giá rẻ hơn, hoặc những lựa chọn thay thế có giá mềm hơn.
Ông Wichmann cũng lưu ý rằng các sự kiện như thời tiết cực đoan cũng có thể ảnh hưởng tới giá cả. Khi thấy các báo cáo về nguy cơ thiếu cà chua do hạn hán ở California, ông đã tích trữ nước sốt cà chua đủ dùng trong nhiều tháng.
Jenni Wells, 38 tuổi, là người rất nhạy bén với giá cả tăng cao và lạm phát do cô từng là đầu bếp và chủ trang trại. Cô đã quyết định trồng một vườn rau ngay trong bãi cỏ trước nhà ở Fort Worth, Texas.
Năm nay, Wells đã trồng được bông cải xanh, súp lơ trắng, đậu bắp, cà chua, ớt, bí và nhiều loại rau khác trong khu vườn của mình. Tất nhiên là trồng rau không hề dễ dàng, nhưng Wells đã nỗ lực giảm thiểu mức chi tiêu hàng tuần cho gia đình (chưa bao gồm thịt) từ khoảng 200 USD xuống còn 50 USD./.