Tại khu phố người Hoa ở Sydney-Australia, nhà hàng lâu đời Mother Chu đã phải nâng giá thực đơn 20-30% kể từ đầu mùa dịch. Theo chủ nhà hàng Alan Chu, nguyên nhân chính là do giá nhiều nguyên liệu, từ những thứ nhỏ như rau diếp cho đến thịt cá đều lên giá.
“Giá rau củ tăng giá rất nhiều, ví dụ một của cải bắp hoặc một bó rau diếp có giá lên đến 10-12 Australia Dollar (CAD), mức giá mà tôi chưa bao giờ thấy”, ông chủ Chu cho biết.
Theo ông Chu, lạm phát quá cao không chỉ khiến nguyên liệu đầu vào tăng mà còn khiến chi phí nhân lực đắt đỏ hơn, rất nhiều nhà hàng và doanh nghiệp đang phải cố cầm cự trong thời buổi khó khăn này.
Lũ lụt tại Australia
Tồi tệ hơn, đợt lũ lụt tại bờ Đông Australia trong khoảng tháng 3-7/2022 đã khiến chuỗi cung ứng càng bị tắc nghẽn, nhiều cây trồng bị phá hủy khiến giá rau xanh tiếp tục tăng.
Hãng tin CNBC cho biết giá một bó rau diếp đã tăng lên mức 12 CAD, tương đương 8 USD vào tháng 6/2022, cao gấp 4 lần so với mức giá 2,9 USD thông thường.
Trong khi giá một số mặt hàng đã trở lại bình thường ngoài siêu thị thì một số sản phẩm khác như rau xanh lại biến động mạnh. Số liệu của Bộ nông nghiệp Australia cho thấy giá rau diếp tại đây đã tăng 350% rồi lại giảm, sau đó lại tăng tiếp.
Khách hàng sợ hãi
Theo CNBC, lương thực là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất hiện nay tại Australia. Báo cáo của Tổng cục thống kê Australia cho thấy giá rau củ tại nước này trong tháng 8/2022 đã tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực và các loại đồ uống không cồn trong tháng 8 cũng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự như nhiều nước khác trên thế giới, Australia đang phải vật lộn với mức chi phí sinh hoạt tăng cao. Lạm phát thường niên trong tháng 8 tại đây đã lên mức 6,8% so với chưa đến 2% trước đại dịch. Tại thời điểm trước khi dịch bùng phát, lạm phát lương thực tại Australia cũng chỉ vào khoảng 1,3%.
Cũng giống như nhà hàng của ông Chu, quán Taste of Changhai của bà Jennifer Du cũng đã phải tăng 6-8% giá từ đầu năm nay nhằm cân bằng mức chi phí ngày một lớn. Bà Du cũng cho biết nhà hàng của mình không dám tăng giá quá mạnh vì lo sợ sẽ mất khách.
“Tôi không muốn kinh doanh kiểu giữ giá nhưng giảm số lượng...Đúng là nhà hàng của chúng tôi cần nâng giá để cân bằng chi phí nhưng chúng tôi sẽ làm từ từ”, bà Du cho hay.
Theo chủ nhà hàng Du, giá rau xanh và những nguyên liệu nhập khẩu là những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
Bất chấp điều đó, theo ông Chris Lam, chủ một cửa hàng thực phẩm ở Chinatown-Sydney cho biết giá cả tăng đang dọa sợ khách hàng khi mọi người ngại chi tiêu hơn. Áp lực gia tăng chi phí vận chuyển, giá dầu tăng cùng vô số những yếu tố khác đã khiến nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn tăng giá mạnh.
“Tôi có thể thấy người dân đang cắt giảm chi tiêu hàng ngày. Thói quen tiêu dùng của mọi người đã phải thay đổi. Giờ đây mọi người đắn đo khi chi tiêu hơn, thắt chặt hầu bao hơn và trở nên khó tính khi mua những thứ họ từng mua”, ông Lam nói.
Lương với lạm phát
Nền tảng Finder tại Australia cho hay tốc độ lạm phát đang cao hơn rất nhiều so với đà tăng lương kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo Finder, ngoài giá rau củ thì thịt cá cũng tăng giá chóng mặt.
Giá thịt bò đã tăng mạnh 33% trong khi giá sữa, trứng và pho mát cũng tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu thì tăng hơn 30% so với năm 2019 khi dịch chưa bùng phát.
“Những con số trên cho thấy rõ ràng chi phí sinh hoạt của người dân Australia đã đắt lên đáng kể”, chuyên gia Sarah Megginson của Finder nhận định.
Không riêng gì giá lương thực hay năng lượng, người Australia còn đau đầu về tiền thuê nhà, tiền lãi thế chấp mua nhà cùng hàng loạt những chi phí khác đều đang lên giá.
Khảo sát tâm lý người tiêu dùng trong tháng 9/2022 cho thấy 56% người Australia cảm thấy stress về tình hình tài chính hiện nay của bản thân và gần 1/5 số người được hỏi lâm vào khủng hoảng.
Tháng 7/2022, chính phủ Australia cảnh báo lạm phát có thể đạt đỉnh 7,75% vào cuối năm nay, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán con số có thể lên đến 8%.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến lạm phát tăng mạnh ở Australia là do Ngân hàng trung ương nước này (BoA) hành động rất thận trọng. Mới đây, BoA chỉ nâng nhẹ lãi suất ¼ điểm phần trăm.
Nguyên nhân chính của động thái này là các nhà hoạch định chính sách phải cẩn trọng bởi các hộ gia đình Australia thuộc nhóm vay nợ nhiều nhất thế giới, đồng thời việc áp dụng nhiều tỷ lệ lãi suất thế chấp khác nhau đồng nghĩa với việc nâng lãi suất sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng.