CNBC đưa tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Anh đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng kỷ lục 9% được ghi nhận trong tháng 4.
Đóng góp lớn vào lạm phát là giá nhà ở, chi phí giao thông, tiền điện, khí đốt và các nhiên liệu khác.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã đưa ra động thái nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp, dù đã ngừng tăng lãi suất mạnh như Mỹ và Thụy Sĩ. Dường như cơ quan này muốn kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Lãi suất cơ bản tại Anh hiện ở mức 1,25%, cao nhất trong vòng 13 năm. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát CPI sẽ vượt quá 11% vào tháng 10.
Cơ quan quản lý năng lượng của Anh đã nâng mức giá trần đối với nhiên liệu hộ gia đình 54% kể từ ngày 1/4. Động thái này nhằm theo kịp đà tăng mạnh của giá nhiên liệu, nhất là giá khí đốt.
Cơ quan này không loại trừ khả năng tiếp tục nâng mức giá trần trong phần còn lại của năm.
Theo ông Paul Craig - Giám đốc danh mục đầu tư tại Quilter Investors, số liệu lạm phát được công bố hôm 21/6 là lời cảnh báo về những thách thức mà ngân hàng trung ương, chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh phải đối mặt.
“Thật đáng thất vọng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ không được giải quyết sớm. Ngân hàng Trung ương Anh đang đứng trước những lựa chọn khó khăn", ông bình luận.
Theo ông Craig, khi Mỹ đang nâng lãi suất mạnh tay, chính quyền Anh có những bước đi thận trọng hơn vì không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Theo một khảo sát gần đây, nhiều người Anh phải bỏ bữa vì áp lực lạm phát và khủng hoảng an ninh lưng thực.
Ông Craig tại Quilter cũng cho rằng chính phủ và các ngân hàng trung ương cần theo dõi sát sao thị trường lao động, thay vì chỉ tập trung giải quyết những cuộc đình công do mức tăng lương không theo kịp lạm phát.
"Với tình hình lạm phát hiện tại, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự yếu kém trên thị trường việc làm cũng là dấu hiệu cảnh báo lớn đối với nền kinh tế", ông nhận định.