Nội dung chính:
- Lạm phát tại Philippines đã tăng 8,7% vào tháng 1, lên mức cao nhất 14 năm qua, do chi phí năng lượng, nhà ở và thực phẩm tăng cao.
- Lạm phát lương thực đang trở thành vấn đề “khẩn cấp” tại Philippines.
Lạm phát tháng 1 tại Philippines tăng 8,7% so với cùng kỳ - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2008, Cơ quan Thống kê nước này cho biết.
Như vậy lạm phát ở Philippines đã không đạt đỉnh vào tháng 12/2022 (ở mức 8,1%) như dự đoán trước đó của ông Felipe Medalla - Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này. Tháng 1 năm ngoái, mức lạm phát của Philippines chỉ ở mức 3%.
Mức lạm phát cao kỷ lục đặt ra một bài toán đối với Ngân hàng Trung ương Philippines khi cơ quan này đang hướng tới cuộc họp lãi suất tiếp theo vào ngày 16/2. Cuối tuần trước, Thống đốc Felipe Medalla cho biết cuộc họp này "sẽ tập trung vào kỳ vọng lạm phát ở Philippines, chứ không phải mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ."
Giá cả hàng hóa tăng nhanh hơn dự kiến có thể thúc đẩy các đợt nâng lãi suất tiếp theo tại Philippines, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này đã tăng lãi suất cơ bản thêm 3,5 điểm % trong năm 2022.
Cơ quan Thống kê cho biết giá nhà ở, điện, nước khí đốt và các nhiên liệu khác là các yếu tố thúc đẩy đà tăng tăng chung. Giá cả nhóm này đã tăng 8,5% vào tháng 1, trong khi tháng 12/2022 chỉ tăng 7%.
Đồng thời, lạm phát lương thực cũng tăng từ 10,2% hồi tháng 12 lên 10,7% vào tháng 1 năm nay, chủ yếu do giá các loại rau, củ, quả như các loại chuối, hành,... cao hơn. Trong bối cảnh Philippines đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nông sản, Tổng thống kiêm Bộ trưởng nông nghiệp Ferdinand Marcos Jr. đã cho phép nhập khẩu nông sản nhiều hơn. Ông Macros xác định lạm phát lương thực là một "trường hợp khẩn cấp".
Lạm phát lõi - loại trừ biến động giá các mặt hàng như thịt, cá, rau và điện - đã tăng lên 7,4% trong tháng trước, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/1999, Nhà thống kê quốc gia Dennis Mapa chia sẻ với báo giới.
Khi được hỏi liệu lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1 hay chưa, ông Mapa nói: “Với tư cách người tiêu dùng, tôi hy vọng rằng đó là đỉnh. Giá thực phẩm là mối lo ngại của chúng tôi."
Áp lực giá cả được coi là rủi ro đối với hoạt động kinh tế của Philippines.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan đã cảnh báo rằng độ trễ của lạm phát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, dự kiến tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức vừa phải, từ 6% đến 7%, sau khi tăng 7,6% vào năm ngoái.