Nội dung chính:
- Chỉ số PCE tháng 1 của Mỹ đã tăng 5,4% - cao hơn dự đoán trước đó.
- Nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất 5 điểm cơ bản (0,5 điểm %) sau cuộc họp cuối tháng 3, đưa lãi suất lên mức 5-5,25%.
- FED tăng lãi suất 0,5 điểm % có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1. Theo báo cáo của cơ quan này, chỉ số PCE trong tháng 1, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 4,7% so với một năm trước.
Nếu tính cả năng lượng và thực phẩm - hai mặt hàng có giá cả biến động mạnh, chỉ số PCE tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - cao hơn mức dự đoán trước đó.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, PCE tăng trên 5% có thể tạo nên sức ép đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ. Cụ thể, FED có thể phải tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5 điểm %) trong phiên họp ngày 21-22/3 tới đây, cao hơn mức phần lớn các nhà quan sát dự báo trước đó là 0,25 điểm %.
“Thực tế chúng ta đã chứng kiến những đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tục của FED hồi cuối năm ngoái, sau đó giảm đột ngột về 25 điểm cơ bản. Một số ý kiến cũng đã cho rằng trong kỳ hợp tới, FED sẽ phải tăng 50 điểm cơ bản để bù lại”, ông Tuấn nói.
Trước đó, trong cuộc họp đầu năm, FED đã thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm %, đưa mức lãi suất lên mức 4,5 - 4,75%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Trong năm 2022, FED đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát lạm phát đang ở mức cao với 7 lần tăng lãi suất (bắt đầu từ tháng 3), trong đó có 4 lần tăng lãi suất liên tiếp ở mức 0,75 điểm %, qua đó đưa mức lãi suất từ mức 0 - 0,25% hồi đầu năm lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022, trước khi tăng lên mức 4,5 - 5,75% trong cuộc họp đầu tháng 2 này. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã có xu hướng giảm mạnh, đây được xem là nguyên nhân dẫn đến quyết định chỉ tăng lãi suất ở mức thấp 0,25 điểm % vừa qua,
Tuy nhiên, CEO AFA Capital đã dẫn số liệu, cho rằng với diễn biến lạm phát hiện nay, nhiều khả năng lãi suất cao nhất trong năm nay của FED có thể đạt 5,25-5,5% kể từ cuối quý II và duy trì ổn định trước khi hạ xuống mức 5-5,25% vào kỳ họp cuối cùng trong năm.
FED tăng lãi suất, nhà đầu tư Việt Nam cần hết sức cẩn trọng
PCE tăng trên 5% làm tăng khả năng FED tăng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tới. Theo CEO AFA Group, điều này sẽ làm tăng lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam và tạo áp lực lên tỷ giá.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực với những khoản nợ trái phiếu đến hạn nhưng không có khả năng thanh toán, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng nhà đầu tư trong nước cần “hết sức cẩn trọng”.
Lãi suất liên ngân hàng là mức lãi suất các ngân hàng thương mại vay tiền lẫn nhau để đảm bảo tỷ lệ dự trữ tối thiểu theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Mức lãi suất này thường mang tính quyết định với mức lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại.
Khi mức lãi suất tăng, dòng tiền thay vì đổ vào thị trường chứng khoán, sẽ được ưu tiên rót vào ngân hàng - là nơi có mức lãi suất cao và ít rủi ro.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp kinh doanh, lãi suất cao là một trong các nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất kinh doanh (trong đó có chi phí lãi vay) bị đội lên - gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong tình hình lãi suất cao, thay vì mở rộng hoạt động kinh doanh, thuê thêm lao động, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp thu hẹp để trụ lại qua giai đoạn khó khăn.
Như vậy, dù với hướng tiếp cận nào, lãi suất cao - xuất phát từ việc PCE Mỹ tăng vượt mức kỳ vọng - vẫn là chỉ báo không tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được đưa ra tại chương trình Đi theo dòng tiền: Báo cáo PCE ảnh hưởng thế nào đến chính sách lãi suất của FED. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.