Xin ăn
Hãng tin CNN cho biết cô Angela Davis, người mẹ đơn thân với 3 đứa con thơ tại Anh đã cảm thấy vô cùng xấu hổ khi lần đầu tiên xếp hàng xin ăn tại Ngân hàng trợ cấp lương thực cho người nghèo (Food Bank).
Sau khi thanh toán hết hóa đơn tiền điện nước, thuê nhà và khí đốt, cô Angela nhận ra mình chẳng còn đồng nào để mua nổi thực phẩm cho các con.
“Tôi cảm thấy như bị sỉ nhục vậy”, cô Angela nói với CNN khi ngồi chờ xếp hàng lấy đồ tại cộng đồng nhà thờ “St.John the Evangelist Church” tại Doncaster. Đây là nơi một ngân hàng thực phẩm tổ chức phát nhu yếu phẩm, từ quần áo, đồ gia dụng đến lương thực miễn phí cho những người địa phương đang gặp khó khăn.
Cô Angela đến sớm tận 2 tiếng để xếp hàng trước khi nhà thờ mở cửa và sự kiên nhẫn này đã nhận được đền đáp. Ngoài những nhu yếu phẩm như bánh mì và rau củ, cô còn nhận được thêm bó hoa tặng kèm.
“Tôi sẽ cắm một phần trong nhà và một phần lên mộ mẹ mình”, cô Angela hồ hởi.
Trước đây, những ngân hàng thực phẩm như thế này tại Anh chủ yếu trợ giúp những người vô gia cư, nhưng giờ đây rất nhiều người nghèo có việc làm như cô Angela cần hỗ trợ dù họ cảm thấy tự xấu hổ vì chính điều này.
“Họ làm vất vả đêm ngày nhưng tiền lương chẳng đủ để mua đồ ăn. Thật là đáng buồn khi có những người làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đủ tiền để trang trải những nhu cầu cơ bản nhất”, mục sư Andy Unsworth tại Doncaster, đồng thời là người quản lý của ngân hàng thực phẩm “Given Freely Freely Given” nói với CNN.
Khu vực Doncaster không phải vùng duy nhất tại Anh chứng kiến lượng người nghèo có việc làm phải đi xin ăn ngày một tăng. Các khu vực nghèo này đã phải chịu tổn thương nặng khi nền kinh tế Anh gặp bất ổn từ sau Brexit lẫn đại dịch Covid-19.
Lạm phát tăng quá cao trong khi mức lương giữ nguyên nhiều năm, thế rồi giá nhiên liệu, khí đốt bất ngờ đi lên mạnh đã khiến hàng triệu người dân Anh bị đẩy vào bước đường cùng.
“Tình hình đang tệ hơn bao giờ hết”, quản lý Kelly Widdowson của Trung tâm hỗ trợ cộng đồng HHCC ở Edlington-Doncaster than thở.
Đồng quan điểm, CEO James Woods của tổ chức cứu trợ “Citizens Advice Doncaster Borough” cho biết mọi người đang ngộ nhận rằng chỉ những người nghèo ở Anh mới gặp khó khăn hiện nay, nhưng thực tế ngay cả tầng lớp lao động trung lưu cũng đã chịu ảnh hưởng.
Rất nhiều gia đình đã phải lựa chọn giữa đói ăn hay chịu lạnh khi giá khí đốt và điện tăng đến 3 lần trong năm ngoái.
Cô Widdowson không muốn nói về lễ đăng quang của nhà vua nhưng than thở chính phủ đang không hiểu thấu nỗi khổ của người dân.
“Quan chức chính phủ không phải sống trong cảnh vật lộn như chúng tôi, khi bạn phải gội đầu cho con bằng xà phòng vì không có tiền mua dầu gội, khi cả gia đình bạn phải sống nhờ vào một bao khoai tây trong cả tuần”, cô Widdowson bức xúc.
“Chúng tôi đã chứng kiến một quý ông phải ăn đồ cho cún vì nó rẻ hơn thực phẩm cho người. Ông ấy đã phải lựa chọn một trong hai, và thay vì mua thức ăn cho người để phần còn thừa cho chó thì ông ấy mua đồ ăn cún cưng giá rẻ cho cả 2”, cô Widdowson nghẹn ngào.
Bữa duy nhất trong ngày
Giáo viên Laura Billington, một giáo viên tại Doncaster nhận thức rất rõ được áp lực cuộc sống đang đè nặng lên người dân ra sao khi nhiều học sinh đến trường mà chẳng có đủ dụng cụ học tập cơ bản nhất như bút mực hay bút chì.
“Tôi chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh học sinh thờ ơ với việc học hành đến như vậy. Nguyên nhân là do chúng quá mệt mỏi vì đói khi chỉ được ăn một bữa miễn phí ở trường, và với nhiều em thì đó là bữa ăn duy nhất trong ngày”, cô Laura đau đớn nói.
Bản thân cô Billington cũng đang chịu áp lực khi tiền lương giáo viên không theo kịp nổi lạm phát.
Số liệu của Tổng cục thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy tiền lương thưởng trên toàn quốc tính trong 3 tháng đến tháng 2/2023 đã giảm 3% sau khi trừ lạm phát so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi ONS thu thập số liệu này vào năm 2001 cho đến nay.
Cô Billington cũng là một đại diện công đoàn ở trường và đã đồng hành cùng hàng trăm nghìn giáo viên khác trên khắp cả nước đi biểu tình đòi tăng lương những tháng gần đây.
Bản thân cô Billington ngập trong đống công việc dạy học, chuẩn bị giáo án, họp hành, kèm cặp học sinh yếu và chấm bài. Dù chuyên ngành tiếng Pháp nhưng cô Billington đang phải dạy thêm cả lịch sử vì ngày càng nhiều giáo viên bỏ việc do lương không đủ sống.
“Tôi đam mê nghề giáo và nếu không phải vì các em học sinh thì đã bỏ việc lâu rồi”, cô Billington nói thẳng.
Không riêng gì giáo viên, hàng loạt công đoàn của các ngành nghề từ y tá, bác sĩ, lao công cho đến lao động viên chức nhà nước đã biểu tình rầm rộ tại Anh suốt vài tháng qua vì đời sống khó khăn.
Phần lớn mức lương bình quân của lao động dịch vụ công tại Anh chỉ tăng 4-5% năm tài khóa vừa qua trong khi lạm phát thường niên đã vượt 10% trong tháng thứ 7 liên tiếp.
Giá lương thực tại Anh thì ngày một khó nuốt hơn khi bánh mỳ đã tăng giá đến 19,4% trong tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm trước.
Quay trở lại Doncaster, thứ 7 tại nhà thờ St. John the Evangelist Church là ngày bận rộn nhất trong những tháng gần đây bởi lúc này người lao động mới có thời gian đến xếp hàng xin ăn.
Mục sư Unsworth cùng các tình nguyện viên đều cố gắng thân thiện hết mức có thể để làm giảm nỗi mặc cảm của những người cần giúp đỡ.
Cô Liz Coopey, một tình nguyện viên cho biết việc phải xin ăn tại ngân hàng thực phẩm cho người nghèo là một nỗi sợ hãi với nhiều người Anh, thế nhưng “trong tình cảnh hiện nay, ai cũng khó khăn cả, trừ phi bạn là triệu phú”.