Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của nước này đã tăng 0,1% so với tháng 7, thay vì giảm 0,1% như dự báo trước đó của giới phân tích.
Điều đáng lo ngại hơn là chỉ số lạm phát lõi (thước đo lạm phát nhưng không bao gồm những mặt hàng có mức độ biến động lớn như năng lượng và thực phẩm) đã tăng tới 0,6% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Financial Times, gánh nặng đang dồn lên vai Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi tất cả người dân đều hy vọng cơ quan này có thể hạ nhiệt giúp nền kinh tế. Những con số này gần như đã đặt dấu chấm hết cho sự thả lỏng tạm thời mà FED có được sau khi lạm phát tháng 7 giảm.
Nền kinh tế phản ứng mạnh
Trước đó, phố Wall đã chứng kiến một cơn sốc sau khi ghi nhận báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo. Ngày 13/9, chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức giảm 4,3% - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Nasdaq - chỉ số tập hợp nhiều cổ phiếu công nghệ - vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi lãi suất cũng kết thúc phiên với mức giảm hơn 5%.
Ở chiều ngược lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đồng loạt tăng mạnh do những kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất mới. Cụ thể, lợi suất các trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng 0,2 điểm phần trăm và chạm mốc 3,75%.
Theo dữ liệu từ CME Group, giới đầu tư đang đặt cược 30% vào khả năng FED sẽ nâng lãi suất thật mạnh tay. Trong số đó, có hơn một nửa dự đoán rằng FED sẽ nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu chạm ngưỡng 3-3,25%.
Trước tình hình này, ông Steven Blitz - chuyên gia kinh tế trưởng của TS Lombard - nhận định rằng lạm phát và tiền lương tăng cao đi kèm với bối cảnh thị trường lao động ngày càng thu hẹp sẽ gây ra nhiều khó khăn cho FED trong nhiệm vụ đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" (giảm tốc theo chu kì để tránh suy thoái kinh tế).
“Khả năng trúng số độc đắc còn lớn hơn khả năng FED thành công trong cuộc hạ cánh mềm”, ông Blitz nói.
Bắt buộc phải tăng lãi suất
Mặc dù khó khăn, để giải quyết tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng FED sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục tăng lãi suất.
“Chúng tôi không nhận thấy bất cứ lý do nào có thể khiến FED giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này”, chuyên gia kinh tế trưởng Brian Cloulton của Fitch Ratings nhận định.
Được biết, lạm phát ở Mỹ đang leo thang bất chấp giá xăng dầu đã giảm xuống trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), đầu mùa hè, giá xăng bán lẻ bình quân ở Mỹ đã từng lập kỷ lục ở mức 5 USD /gallon. Gần đây, giá xăng đã giảm về ngưỡng 3,7 USD /gallon tuy nhiên lạm phát vẫn không giảm.
Điều này gây ra nhiều áp lực cho các nhà hoạch định chính sách của Fed, mặc dù họ vẫn liên tục cam kết sẽ đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Tuần trước, cả Chủ tịch FED Jerome Powell và Phó chủ tịch Lael Brainard cùng cảnh báo rằng nếu không kéo được lạm phát xuống và để cho các kỳ vọng lạm phát trong tương lai trở thành một vòng xoáy đi lên, thiệt hại kinh tế về sau sẽ càng lớn.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại rằng xu hướng giảm của giá xăng sẽ không duy trì được lâu, khả năng cao giá năng lượng sẽ tăng mạnh trở lại vào thời điểm cuối năm. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo rằng kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng nặng bởi tình hình khan hiếm năng lượng trầm trọng trên diện rộng ở châu Âu, khi Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu Nga từ tháng 12.
Được biết, chỉ vài giờ sau khi báo cáo lạm phát tháng 8 được đưa ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cộng sự đã tổ chức ăn mừng việc đạo luật "Giảm lạm phát" được thông qua. Ông Biden nhấn mạnh rằng giá xăng đã giảm trong mùa hè này và “chúng ta đang đạt được bước tiến” trong việc chống lạm phát.
Tuy nhiên, phe Cộng hoà đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích. “Chỉ vài giờ sau bản báo cáo lạm phát tồi tệ, Nhà Trắng vẫn còn ăn mừng giảm lạm phát", thủ lĩnh của các nghị sỹ Cộng hoà tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, viết trên mạng xã hội Twitter.