Xuất nhập khẩu duy trì tăng ở mức cao
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8% đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (8-8,5%); được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương (44/63 tỉnh, thành phố có GRDP tăng trên 6%).
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 được phục hồi mạnh mẽ; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%; thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Điểm nghẽn nào chưa được tháo gỡ hiệu quả?
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhập khẩu đầu vào.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều tập đoàn mạnh, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau và với doanh nghiệp FDI còn hạn chế; chất lượng lao động, năng suất lao động chưa cao; việc đổi mới, phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như công tác lập, triển khai quy hoạch chậm; thiếu hụt lao động cục bộ, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư có chiều hướng gia tăng; nguy cơ thiếu nhân lực tại cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc; vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm.
Mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội hỗ trợ nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; thủ tục của một số chính sách bất cập, chưa rõ ràng, khó tiếp cận; giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay chưa đạt mục tiêu đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời báo cáo bổ sung một số nội dung: Ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một ngân hàng thương mại gần đây; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh tài chính; tác động của việc neo giữ tỷ giá đô la Mỹ đối với xuất, nhập khẩu, dự trữ ngoại hối.
Thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát; nguyên nhân, giải pháp khắc phục việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm; tác động đến thu hút đầu tư khi năm 2023 các nước dự kiến áp dụng Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu và giải pháp tháo gỡ.
Năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định; sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền, giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao; đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm.
Tình hình xung đột Nga - Ukraine; đà suy giảm kinh tế, nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển trở nên rõ ràng hơn; lạm phát tăng cao kỷ lục ở nhiều nước; rủi ro thu hẹp thị trường, đảo chiều của dòng vốn gia tăng; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực sẽ tác động tiêu cực đến nước ta do độ mở của nền kinh tế lớn. Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn; diễn biến dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh… là vấn đề cần hết sức lưu ý.