Nhập khẩu hóa chất tăng
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng năm 2022 kim ngạch nhập khẩu hóa chất tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc phải nhập khẩu nguyên liệu hóa chất và sản phẩm hóa chất với mức giá cao cũng là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Điều này góp phần làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
Đơn cử tại một số địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp như tỉnh Đồng Nai, thống kê cụ thể trong 7 tháng năm 2022, giá trị nhập khẩu hóa chất đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính mỗi năm, các doanh nghiệp tại Đồng Nai phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất. Nhất là khi có nhiều ngành sản xuất rất cần sử dụng hóa chất như giày dép, mũ, dệt may, xơ sợi dệt, công nghiệp sơn phủ và mực in, giấy, cao su, nhựa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép…
Rất nhiều ngành sản xuất cần sử dụng nguyên liệu hóa chất, nhưng do chưa tìm được nhà cung cấp hoá chất trong nước phù hợp nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu. Một số thị trường nhập khẩu đối với mặt hàng hoá chất này có thể kể đến như: Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Báo cáo của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra, về hoá chất cơ bản, Việt Nam chủ yếu mới sản xuất được một số sản phẩm hóa chất cơ bản vô cơ thông dụng như H2SO4, HCl, H3PO4, xút… Đối với hóa chất cơ bản hữu cơ trong nước hầu như chưa sản xuất được.
Về hoá dầu, hiện nay Việt Nam mới chỉ sản xuất được nhựa PVC, PP, phụ gia hoá dẻo DOP, xơ sợi tổng hợp từ các nguyên liệu trung gian nhập khẩu. Trong những năm gần đây, ngành hóa dầu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án lớn như Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung… Tuy nhiên, ước tính khi các dự án này đưa vào khai thác, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn/năm các sản phẩm hóa dầu.
Bên lề Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành cho 4 ngành công nghiệp có liên quan đến hoá chất mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết cho biết, thực tế đã có phản ánh về việc nhập khẩu nguyên liệu hóa chất đầu vào với mức giá quá cao. Điều này dẫn đến giá đầu ra của sản phẩm cũng tăng, nên mức độ cạnh tranh cũng thấp đi.
Đây là tình trạng chung của nhiều ngành sản xuất cần sử dụng nguyên liệu hóa chất, nhưng hiện chưa tìm được nhà cung cấp hóa chất trong nước phù hợp nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu. “Hiện nay các doanh nghiệp ngành sơn phủ và mực in phụ thuộc tương đối nhiều vào nguồn nguyên liệu hóa chất nhập khẩu. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp sơn phủ và mực in phải tái đầu tư trở lại, chẳng hạn như việc sản xuất các loại dung môi”- lãnh đạo Cục Hóa chất cho biết.
Hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu
Theo Cục Hóa chất, thời gian tới chính sách phát triển công nghiệp hoá chất sẽ định hướng một số lĩnh vực ưu tiên và có tính chiến lược ở Việt Nam, kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là cơ cấu lại các sản phẩm hoá chất nhằm đảm bảo nguồn cung tối thiểu cho các doanh nghiệp sản xuất và thị trường trong nước.
Trước đó, tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%…
Chiến lược đề cập cụ thể, công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.
Đồng thời, duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường… “Khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hóa chất, tận dụng tối đa nội lực của đầu tư xã hội. Khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao”- Chiến lược gợi mở.
Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.