Theo báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/12/2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34,336 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021.
Như vậy, trong suốt 5 năm qua, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao từ mức gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD vào năm 2020 và 136,15 tỷ USD vào năm 2021.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021 và đạt kế hoạch của Bộ đề ra năm 2022. Trong đó, theo thống kê chỉ có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.
Tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam/doanh thu lĩnh vực ICT chiếm khoảng 17%. Giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI khoảng 18,6 tỷ USD.
Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT đạt khoảng 40,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD).
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Thống kê cho thấy, tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của 1 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD.
Các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Năm 2022, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sản xuất sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam, với một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Samsung, Qualcomm, Panasonic, Intel, Synopsys, ACE…
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, theo kết quả khảo sát, thu thập thông tin số liệu về sản phẩm sản xuất trong nước 62 doanh nghiệp công nghệ thông tin theo nhóm phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ, có doanh thu hơn 264.445 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,2% tổng doanh thu toàn ngành. Số liệu khảo sát xác định tỷ lệ giá trị nội địa có thể phản ánh được tỷ lệ giá trị nội địa của toàn ngành công nghiệp ICT Việt Nam.
Theo đó, trong 12 doanh nghiệp phần cứng có tổng doanh thu hơn 231.472 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị nội địa là 31,9%. 23 doanh nghiệp phần mềm doanh thu là hơn 17.754 tỷ đồng có tỷ lệ giá trị nội địa là 79,0%.
Trong lĩnh vực nội dung số, 4 doanh nghiệp có doanh thu hơn 6.117 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị nội địa là 80,3%. 23 doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin với tổng doanh thu hơn 9.101 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị nội địa là 96,2%.
Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông đang tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để thu thập thêm các Phiếu khảo sát, tăng khả năng chính xác của số liệu về tỷ lệ giá trị nội địa.
Một số mục tiêu đến năm 2025:
- Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm của công nghiệp công nghệ số gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
- Tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số vào GDP Việt Nam đạt từ 6- 6,5%.
- Cả nước có 80.000 doanh nghiệp công nghệ số.
- Việt Nam thuộc nhóm 5 nước trên thế giới về doanh thu dịch vụ phần mềm, sản xuất và phát hành game di động.
- Cả nước có tối thiểu 8 địa phương có doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt trên 01 tỷ USD.
- Phát triển 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.
- Thu hút đầu tư từ nước ngoài vào công nghiệp công nghệ số đạt 25 tỷ USD.