Là địa phương thứ 9/10 địa phương của cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Bình đã cho thấy tư duy mới, quan điểm mới, tầm nhìn mới, phương án phát triển mới trong thu hút đầu tư để từ đó tạo ra cơ hội mới, giá trị mới cho Quảng Bình trong phát triển kinh tế địa phương.
Phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng độc đáo
Theo quy hoạch được phê duyệt, Quảng Bình sẽ trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: Hai trung tâm động lực tăng trưởng; Ba trung tâm đô thị; Ba hành lang kinh tế, Bốn trụ cột phát triển kinh tế và Ba đột phá chiến lược.
Trong đó, phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triến bền vững. Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp..
Với việc đưa ra định hướng rõ ràng về con đường phát triển của tỉnh trong 10 năm tới cùng những cam kết mạnh mẽ của chính quyền Quảng Bình trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Đinh Trọng Thắng tin rằng một làn sóng đầu tư mới sẽ “đổ” vào Quảng Bình.
Doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện JETRO Hà Nội, đánh giá Quảng Bình là khu vực thích hợp để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
“Hoạt động sản xuất và thương mại với năng lượng tái tạo sẽ đầy triển vọng”, ông nói và cho rằng đầu tư của các công ty FDI đang lan rộng từ các khu vực đô thị đến các thành phố trực thuộc tỉnh và vì thế, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho Quảng Bình.
Có chung quan điểm với Trưởng Đại diện JETRO Hà Nội tại hội nghị, ông Kim Tae Hoon - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cũng tin tưởng rằng Quảng Bình có tiềm năng to lớn để phát triển năng động hơn trong lĩnh vực du lịch, qua đó góp phần quảng bá những kỳ quan thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam.
Theo ông Kim, tại Quảng Bình, ngành năng lượng đóng vai trò chính và vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, bao gồm các dự án điện gió, thủy điện, điện mặt trời. “Đây sẽ là ngành then chốt cho sự tăng tốc của nền kinh tế địa phương trong tương lai vì năng lượng đang trở thành một phần vô cùng quan trọng trong nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam”, ông Kim nhận định.
Ông cho biết nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu thị trường để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Bình, như dự án điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy của Tập đoàn Dohwa, dự án viên năng lượng 11 triệu USD tại Hòn La…
Đại diện KOCHAM đánh giá, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã có những nỗ lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch… UBND tỉnh Quảng Bình đang rất nỗ lực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và những năm qua đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi đầu tư... Nhờ đó, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các thương hiệu trong và ngoài nước đổ về Quảng Bình để đầu tư.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), cũng cho rằng tiềm năng phát triển của Quảng Bình là rất to lớn với việc chuyển dịch mô hình kinh tế dựa trên 4 trụ cột là du lịch; công nghiệp đặc biệt là sản xuất điện, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
“Sự kết hợp phát triển của trung tâm động lực tăng trưởng là khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu kinh tế Hòn La và ba trung tâm đô thị, ba hành lang kinh tế đang dần mang lại sự chuyển mình mạnh mẽ cho tỉnh Quảng Bình", ông Vinh nhận định.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 02 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp với diện tích hơn 66.000 ha, tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và đặc biệt là dịch vụ.
Cam kết rõ ràng, hành động quyết liệt
Dù vậy, theo đại diện KOCHAM, để dòng vốn từ Hàn Quốc sớm chảy vào Quảng Bình, chính quyền tỉnh cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và triển khai dự án.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ tạo điều kiện tối ưu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện thăm dò và nghiên cứu thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục cần thiết. Hy vọng doanh nghiệp sẽ tìm thấy nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Bình thời gian tới”, ông Kim kỳ vọng.
Hay như ông Phan Đức Hiếu, chuyên gia kinh tế; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các cam kết của tỉnh Quảng Bình đã rất rõ ràng, vì vậy vấn đề hiện nay là cần hành động quyết liệt, và hướng tới cải cách và cải thiện thực chất, bền bỉ, đồng đều ở các khâu, lĩnh vực.
“Cần duy trì và phát huy được đà, lợi thế mà tỉnh đang có khi rất nhiều chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh đang đứng trong nhóm đầu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Theo đó, Quảng Bình cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện như nghiên cứu để thiết lập một cơ chế và đầu mối thực hiện các nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và phối hợp chặt chẽ hơn”, ông Hiếu nêu quan điểm.