Là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, giữ chức vụ Tổng giám đốc KBank TP.HCM trực thuộc KBank Thái Lan với lịch sử hơn 77 năm hoạt động và hiện có mặt tại 16 quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN+3; ông Chatuporn Boozaya-Angool đã đưa ra những nhận định về tình hình tuyển dụng cũng như những tiêu chuẩn cho nhân sự ngành ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Nhu cầu nhân sự công nghệ để phục vụ cho mục tiêu số hóa ngân hàng vẫn luôn là bài toán khó tại Việt Nam
Ngân hàng được xem là ngành hot với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, ngành nghề “hot” này cũng không tránh khỏi làn sóng sa thải đang diễn ra trên toàn cầu. Theo ông, liệu rằng ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ giảm đi độ nóng và có những thay đổi gì đáng chú ý đối với tuyển dụng nhân sự trong thời gian sắp tới?
Trước hết, chúng ta phải nhìn lại 2 năm vừa qua, khi đại dịch đã tạo ra sự bùng nổ trong các giao dịch ngân hàng, nhu cầu nhân sự tăng mạnh và yêu cầu làm việc hiệu suất lớn. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã bị chững lại trong giai đoạn cuối năm 2022, khi lạm phát lên cao dẫn tới việc thắt chặt kiểm soát chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Sự khó khăn của tình hình kinh tế nói chung đang dẫn tới làn sóng sa thải ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng. Khởi đầu ở ‘thủ phủ’ kinh tế thế giới phố Wall, làn sóng này đang là hồi chuông báo động cho các thị trường khác. Và tôi tin rằng, khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam, cũng cần hết sức cẩn trọng.
Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, chúng ta có thể thấy: mặc dù những biến động nhân sự đã và đang xảy ra, xong nhu cầu tuyển dụng của ngành ngân hàng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn khá sôi động. Đặc biệt là ở những vị trí chuyên viên trong bộ phận quản lý sản phẩm số, quản lý tài sản, quản lý rủi ro, tư vấn tài chính và quản lý quan hệ khách hàng.
Ngoài ra, với sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng số hóa trong ngành ngân hàng cũng như nhu cầu về giao dịch trực tuyến ngày càng lớn của khách hàng, các vị trí tuyển dụng hiện nay được điều chỉnh với yêu cầu về nền tảng kiến thức công nghệ thông tin và kỹ năng thích ứng tốt trên nền tảng kỹ thuật số.
Ví dụ: KBank Việt Nam hiện cũng đang tích cực thu hút nhân tài, với mục tiêu nâng tổng số nhân sự lên con số 1.700 vào năm 2027, đồng thời hướng tới xây dựng môi trường làm việc ngân hàng chuyên nghiệp chuẩn quốc tế tại TP.HCM.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nhân sự ngân hàng, ông có thể chia sẻ những thách thức khi tìm kiếm và giữ chân nhân sự cho ngành ngân hàng so với các ngành nghề khác?
Nếu như trước đây, chúng ta thường chỉ nói về việc đặt khách hàng lên hàng đầu; thì trong những năm gần đây, phải khẳng định rằng: nhân sự cũng là nhân tố quan trọng trong ngân hàng. Bởi họ chính là những người nắm chìa khóa tạo nên sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời dành cho khách hàng.
Thêm vào đó, thực tế không phải lúc nào cũng có thể tìm được ứng viên phù hợp với khả năng thích ứng nhanh và có thể gắn bó lâu dài. Vì vậy, các ngân hàng hiện nay đều nỗ lực để cải thiện chính sách và môi trường làm việc nhằm thu hút nhân tài, mở ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Đặc biệt trong những năm trở lại đây, nhu cầu nhân sự công nghệ để phục vụ cho mục tiêu số hóa ngân hàng vẫn luôn là bài toán khó tại Việt Nam khi cung không đủ cầu, chất lượng chưa đi kèm với số lượng. Ngành ngân hàng vốn đã luôn có sự vận động và thay đổi nhanh chóng, mà chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng lại là lĩnh vực mới mẻ, cần cả yếu tố công nghệ lẫn chuyên môn tài chính, khiến cho khoảng cách cung - cầu nhân sự ngày càng bị kéo dãn.
HIỆN TẠI, 96,5% NHÂN SỰ CỦA KBANK TP.HCM LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
Ở thời điểm cuối năm, “thưởng Tết” luôn là từ khóa được thảo luận sôi nổi, không chỉ khiến người trong ngành đứng ngồi không yên, mà người ngoài ngành cũng tò mò không kém. Ông cho rằng “lương thưởng” có phải là yếu tố hàng đầu hay đâu mới là những yếu tố quyết định để duy trì sức hút nhân sự cho ngành?
“Thưởng Tết” là mối quan tâm với không chỉ riêng ngành ngân hàng, bởi ai cũng mong muốn thành quả cả năm vừa qua được nhìn nhận và đón một cái Tết ấm no, đủ đầy. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những yếu tố hấp dẫn không thể phủ nhận cho ‘dân ngân hàng’.
Tuy nhiên, lương thưởng là điều kiện ‘cần’ nhưng chưa ‘đủ’ để duy trì sự gắn kết với nhân sự. Người lao động hiện nay cũng có mối quan tâm lớn tới sức khỏe thể chất - tinh thần, cũng như phát triển bản thân. Do vậy, để nuôi dưỡng nhân tài, ngân hàng cần phải quan tâm tới những yếu tố phát triển toàn diện từ mặt kinh tế, đời sống sức khỏe, cho tới lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Ngoài ra, môi trường làm việc cũng là một yếu tố được nhân sự quan tâm trong cuộc sống hiện đại. Không gian văn phòng làm việc hiện nay không chỉ cần tính hiệu suất, mà còn cần được thiết kế để đảm bảo không khí làm việc trong lành và có lợi cho sức khỏe của người lao động.
Làm việc tại KBank - một ngân hàng top đầu của Thái Lan, ông có nhận thấy rằng nhân sự ngoại quốc thường sẽ được ưu tiên tuyển dụng hơn nhân sự trong nước không? Và liệu rằng có sự khác biệt nào về nhân sự nội địa và quốc tế?
Đầu tiên, tôi muốn khẳng định rằng: mọi nhân sự - không phân biệt quốc tịch đều có cơ hội được làm việc và đánh giá dựa trên năng lực một cách bình đẳng tại KBank.
Là một ngân hàng vận hành ở nhiều quốc gia trong khu vực, chúng tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc với các nhân sự ở nhiều môi trường văn hóa và nền tảng khác nhau. Nhưng, tất cả có một điểm chung đó là thái độ làm việc tích cực, tinh thần ham học hỏi và khả năng làm việc nhóm của mọi người đều rất tuyệt vời.
Đông Nam Á là khu vực đang phát triển kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu với tỷ lệ lao động trẻ tuổi và chất lượng ngày một nâng cao. Đây cũng là điểm tương đồng mà KBank nhận thấy ở nhân sự Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ với sự cởi mở, sẵn sàng đón nhận thử thách mới.
Tại văn phòng KBank ở TP. HCM, có thể thấy 96,5% nhân sự của chúng tôi là người Việt Nam và chúng tôi thật sự ấn tượng với tinh thần làm việc cũng như những cống hiến của họ. Hơn thế, nhân viên bản địa còn cho thấy lợi thế trong việc thấu hiểu và kết nối với khách hàng trong nước, từ đó giúp KBank Việt Nam có được những dấu ấn tích cực trong năm đầu tiên.
Muốn nhận được công việc như mong muốn, phải biết mình là ai và có tư duy cởi mở
Đầu năm thường là thời điểm bắt đầu cho những chuyến “di dân”, nhiều nhân sự sẽ tìm kiếm việc làm mới. Lời khuyên của ông cho những nhân sự muốn thay đổi môi trường làm việc hoặc các bạn trẻ đang chuẩn bị gia nhập ngành ngân hàng là gì?
Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực rộng lớn liên quan đến các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Các ngân hàng sẽ có những mục tiêu tài chính và chiến lược khác nhau, ở mỗi phòng ban và bộ phận trong ngân hàng đều có những nhiệm vụ đặc thù khác nhau từ giao dịch, tư vấn khách hàng, cho tới xử lý số liệu, chăm sóc khách hàng….
Tuy vậy, để tìm được bến đỗ phù hợp, khi bước chân vào ngành này hay có ý định thay đổi môi trường mới, mọi người cần tìm hiểu kỹ càng và cân nhắc dựa trên năng lực cũng như cá tính của bản thân.
Trong xu thế hiện đại, các ngân hàng ngày nay cũng đặt ra những tiêu chuẩn tuyển dụng đặc thù để thích nghi với nhiều thay đổi liên tục của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Bên cạnh kinh nghiệm và chuyên môn, các ứng viên cần trau dồi những kỹ năng mềm và tính linh hoạt cho bản thân. Những yếu tố quan trọng phải kể đến như khả năng phục hồi, sẵn sàng tiếp nhận thử thách mới, làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc từ xa và đặc biệt là ưu tiên kết quả công việc so với những đánh giá cá nhân.
Dù cho là người có kinh nghiệm lâu năm hay các bạn trẻ mới ra trường, điều quan trọng để có được công việc như mong muốn trong thời đại hiện nay: là hiểu được khả năng của mình và có tư duy cởi mở để đương đầu với những thách thức mới luôn chực chờ.
Cảm ơn ông rất nhiều!