“Hạn chót bán”, “Sử dụng trước”, “Sử dụng tốt nhất trước”, “Độ tươi nhất trước”, “Hết hạn sử dụng vào ngày”. Phần lớn các loại thực phẩm mà chúng ta mua về đều được đóng một trong những nhãn khuyến cáo trên; thường là có cả hai loại nhãn “hạn chót bán” và “sử dụng tốt nhất trước”. Những mốc ngày tháng này trông có vẻ chính thức và chính xác, và đều được mặc định cho là dựa trên cơ sở khoa học. Nhưng không phải.
Về bản chất, chúng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến mọi người vứt bỏ thực phẩm. Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, lượng thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm đã lên tới gần 29 tỷ USD dù rằng đó đều là những thực phẩm mùi vị còn tốt và an toàn để ăn.
Ai nghĩ ra những mốc thời hạn đó? Phần nhiều là do các nhà sản xuất tính toán ra và đóng nhãn lên sản phẩm và có một số là do nhà bán lẻ gắn lên dựa theo gợi ý từ phía nhà cung cấp. Vậy họ làm sao để cho ra những số liệu đó?
Đối với nhiều loại thực phẩm, các nhà sản xuất thường để sản phẩm mẫu trong phòng thí nghiệm rồi tính thời gian chúng chuyển qua trạng thái hư hỏng, sau đó tính thêm lượng thời gian di chuyển dự kiến của sản phẩm tới kệ trưng bày trong cửa hàng, từ đó đưa ra dự đoán về thời hạn sử dụng sản phẩm. Những yếu tố như môi trường nhiệt độ trên hành trình di chuyển của thực phẩm trong chuỗi cung ứng, từ cửa hàng tới nhà và thời gian cũng như các yếu tố liên quan khác trong quá trình thực phẩm biến chất, chẳng hạn độ ẩm, đều có độ biến thiên quá lớn nên không thể bảo đảm được độ chính xác trong các phép tính.
Các mốc thời hạn này thậm chí còn không phải là sự ước tính về thời điểm thực phẩm sẽ thực sự biến chất; thay vào đó, chúng là sự ước tính về thời điểm thực phẩm có hình thức và mùi vị đang ở trạng thái tốt tối ưu. Khác với suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng, sự xuất hiện của chúng không phải do quy định của luật pháp liên bang (ngoại trừ đồ ăn dành cho trẻ nhỏ, bởi vì thời hạn sử dụng của nhóm đồ ăn này là bắt buộc phải có). Mặc dù 41 tiểu bang có quy định yêu cầu một số sản phẩm phải có thời hạn sử dụng (chẳng hạn sữa), nhìn chung cách tính rất lộn xộn và khác nhau ở mỗi tiểu bang.
Tuy nhiên, phía các nhà sản xuất cũng không có ý định xấu. Nguyên nhân ở đây thường nằm ở các chuỗi cung ứng lạc hậu với hiệu suất hoạt động thấp, không cung cấp được cho nhà sản xuất và nhà bán lẻ những dữ liệu cần thiết để họ có thể tư vấn cho khách hàng một cách phù hợp và nhất quán.
Kết quả là, họ cố gắng ấn định một thời hạn ước tính độ tươi mới của sản phẩm. Mức độ chính xác hiện nay của phép ước tính trên là sự thiệt hại hàng tỷ USD thực phẩm cộng với hàng tỷ USD chi phí để vận chuyển những thực phẩm vẫn đang trong trạng thái sử dụng tốt ra bãi rác.