Khép lại năm 2022, hầu hết nhóm doanh nghiệp (DN) thép niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với “bức tranh” sớm được dự báo. Trong đó, 8 DN ghi nhận tổng mức lỗ gần 4.400 tỷ đồng trong quý 4/2022, tương ứng lợi nhuận cả năm 2022 của nhóm công ty thép niêm yết sụt giảm nghiêm trọng từ mức 41.000 tỷ (năm 2021) chỉ còn khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ nhu cầu sụt giảm cả ở trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu tăng (đặc biệt giá than đột biến)…, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cùng tác động lên hoạt động của DN.
Dù vậy, vẫn có điểm sáng khi sang quý 4, loạt công ty lớn giảm lỗ đáng kể so với quý liền trước. Mới đây, Trung Quốc chính thức mở cửa cùng những nỗ lực tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công… đang mang lại những kỳ vọng mới cho ngành sau cơn bĩ cực.
Lãnh đạo DN thép cùng nhận định khó khăn nhất đã đi qua
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các DN niêm yếu cùng khẳng định khó khăn nhất của ngành đã đi qua. Dù vậy, các bên vẫn đang theo dõi để có những phương án linh hoạt trong thời gian tới, đặc biệt là nửa đầu năm 2023 khi tình hình chung còn nhiều biến động.
Đơn cử, lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) dù từ chối đưa nhận định, song vẫn nhấn mạnh: “Chỉ biết giai đoạn khó khăn nhất 2 quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự ổn hơn”.
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) từng thẳng thắn dự báo với cổ đông về “điều thê thảm” của ngành, Công ty báo lỗ kỷ lục trong quý 4/2022 với 2.000 tỷ đồng. Dù vậy, trong thông báo của mình, Hòa Phát đánh giá: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Công ty đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt”.
Theo nguồn tin từ Kallanish, Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12/2022 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn.
Trước đó, Hòa Phát đã đóng 3 lò cao trong 2 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Kallanish, các lò cao này không đóng hoàn toàn mà được duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể trong 2 tháng qua. Nhờ đó, quá trình khởi động lại sẽ ngắn hơn.
Đặc biệt, Hòa Phát cũng đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép; song song đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng….
Pomina cũng sẽ mở lại lò cao
Không riêng Hoà Phát, lãnh đạo Thép Pomina (POM) cũng tiết lộ kế hoạch mở lại lò cao vào quý 4/2023. Bởi, khó khăn nhất của ngành đã đi qua, và POM nhận thấy 6 tháng đầu năm tới nhu cầu từ các công trình đầu tư công tăng, thúc đẩy tăng tiêu thụ thép. Chưa kể, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục vào có khả năng bắt đầu trở lại vào 6 tháng cuối năm: Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho HĐKD của ngành nói chung và POM nói riêng.
"Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid và chính phủ nước này cũng đã có chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Đặc biệt, ở Ấn Độ thị trường thép tăng trưởng nhanh do nhu cầu xây dựng tăng cao. Giá nguyên liệu thế giới tăng, kéo theo phế liệu tăng giá từ 370-450 USD/tấn.
Mặt khác, một điểm sáng cho ngành thép còn liên quan đến lạm phát thế giới đang giảm, các nước phương Tây giảm đà tăng lãi suất và có nhu cầu thép trở ại. Hay Hoà Phát cũng đang xuất khẩu nhiều thép qua châu Âu...", phía POM cho biết thêm.
Được biết, POM đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của Công ty do không thể duy trì được trước nhiều thách thức (cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp…).
Cần nhấn mạnh, dự án lò cao được POM đầu tư vào năm 2019 và đi vào hoạt động năm 2020: Đây từng được POM giới thiệu là dự án then chốt và dự phóng mang lại lợi nhuận đột biến cho Công ty giai đoạn 2021-2023, công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép. Dù vậy, sự biến động đảo chiều nhanh chóng của thị trường khiến lò cao từ “vũ khí” trở thành “gánh nặng” của Công ty lúc bấy giờ.
Đà phục hồi của Trung Quốc cùng sự nổi lên của Ấn Độ là “điểm sáng” cho ngành thép 2023
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 3/1, mặc dù nhiều kim loại cơ bản như đồng, nhôm, chì gặp áp lực bán mạnh, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1 niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) chỉ giảm nhẹ 0,01%. Chỉ số MXV-Kim loại đạt mức 1.809 điểm, tăng 0,06% so với phiên trước.
Như vậy, trong 2 tháng trở lại đây, giá quặng sắt đã tăng khoảng 36%, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu sẽ dần phục hồi trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc.
Bên cạnh chính sách kích thích của Trung Quốc cho thị trường bất động sản vốn đã gặp nhiều áp lực, động lực tăng của giá sắt càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế này tiến hành mở cửa trở lại. Điều đó giúp cho đà phục hồi đối với giá quặng sắt trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12 cho đến nay.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng là nhân tố mới thúc đẩy ngành thép trong năm 2023. Thống kê cho thấy, sản lượng thép tại Ấn Độ trong tháng 11 vừa qua ghi nhận mức tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước đó, đồng thời đà tăng khá bền vững đã giúp mức lũy kế sản lượng 11 tháng cũng tăng 6% so với năm 2021.
Sẵn sàng vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, Ấn Độ đang ở giữa thời kỳ bùng nổ xây dựng. Do đó, nền kinh tế này đang nổi lên như một vị cứu tinh cho nhu cầu thép toàn cầu.
Cũng theo dự báo của WS, nhu cầu thép tại Ấn Độ sẽ tăng 6,7% lên khoảng 120 triệu tấn vào năm 2023, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế tiêu thụ sắt thép lớn. Con số này có thể sẽ lên tới 200 triệu tấn vào năm 2030, với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ bùng nổ.
Nhìn chung, với đà phục hồi của Trung Quốc hay sự nổi lên của thị trường Ấn Độ, đều là các đối thủ cạnh tranh rất lớn, ngành thép trong năm nay sẽ còn gặp phải nhiều thách thức. Tuy nhiên, sẽ vẫn có các cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu sắt thép xây dựng.