Tại họp báo thường kỳ quý 1 của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết gần đây Tổng cục thống kê đã công bố các chỉ số vĩ mô tháng 3 và quý 1/2023, trong đó có cả thông tin tích cực và tiêu cực.
“Tích cực là lạm phát đã giảm so với tháng trước. Mặc dù lạm phát toàn cầu vẫn neo cao nhưng xu hướng là giảm và chúng ta cũng yên tâm có thể kiếm soát lạm phát trong nước ở mức 4,5%”, ông Quang nói.
Cụ thể, lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 2/2023 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 6% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 02/2023 của Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 3,8%; Hàn Quốc tăng 4,8%; Indonesia tăng 5,5%; Philippin tăng 8,6%; Lào tăng 41,3%.
So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%).
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính CPI tháng 3/2023 giảm so với tháng trước.
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giảm tốc độ tăng lãi suất, ông Phạm Chí Quang cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có dư địa để tiếp tục giảm một số loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay: “Khi điều kiện thị trường chín muồi, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có những quyết định phù hợp”.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, trong quý 1 đã có tối thiểu 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Thông tin vĩ mô tiêu cực chính là tăng trưởng kinh tế quý 1 ở mức rất thấp, chỉ tương đương quý 1/2020, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp ngang với khi Covid -19 bùng nổ vào năm 2020. Hầu hết lĩnh vực trọng điểm để suy giảm trầm trọng. Cụ thể xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, chế biến chế tạo giảm, khai khoáng giảm…Thậm chí, công nghiệp chế biến chế tạo hay sản xuất và phân phối điện nước đã có mức tăng trưởng âm. Đây cũng là 1 trong những lý do vì sao tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
Lần đầu tiên, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường..
Theo vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, GDP giảm sát giai đoạn đại dịch như thế thì nhu cầu tín dụng đương nhiên thấp…Trong khi đó thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại ngân hàng nhà nước liên tục vượt mức dự trữ bắt buộc…Lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh…
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.
“Cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng cao mặc dù thanh khoản dư thừa lớn. Số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước là rất lớn, kéo dài từ tháng 2 đến nay. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 1,2%. Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên cầu tín dụng đang rất thấp khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, ông Phạm Chí Quang nói.