Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã giảm mạnh từ gần 98 USD /thùng xuống dưới 94 USD/thùng. Tính đến 15h30, giá phục hồi nhẹ lên 94,8 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI rơi thẳng đứng xuống dưới 88 USD/thùng. Như vậy, loại hàng hóa này đã mất mốc quan trọng 90 USD/thùng. Tính đến 15h30, giá phục hồi nhẹ lên 88,2 USD/thùng.
Như vậy, dầu WTI chuẩn Mỹ đang được giao dịch với mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước khi Nga đổ quân vào Ukraine. Giá của loại hàng hóa này đã sụt giảm hơn 9% trong tuần này.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế nhận định lo ngại suy thoái đang khiến giá dầu lao dốc mạnh. Việc mất mốc 90 USD/thùng có thể kích hoạt những đợt bán tháo mới.
Mất mốc quan trọng
"Lo ngại suy thoái khiến giới đầu tư phớt lờ sự thật rằng thị trường dầu vẫn còn đang thắt chặt. Sau khi giá dầu WTI rơi xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng, các nhà đầu tư có thể tiếp tục bán tháo, đẩy giá xuống hơn nữa", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường có trụ sở ở Mỹ - nói với Zing.
Dữ liệu chính thức cho thấy tiêu thụ xăng của Mỹ lao dốc, trong khi dự trữ dầu thô tăng lên. Điều này khiến giá dầu thô sụt giảm ngay cả khi Saudi Arabia nâng giá bán và OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) cảnh báo về công suất dư thừa ít ỏi.
Lo ngại suy thoái khiến giới đầu tư phớt lờ sự thật rằng thị trường dầu vẫn còn đang thắt chặt. Sau khi giá dầu WTI rơi xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng, các nhà đầu tư có thể tiếp tục bán tháo, đẩy giá xuống hơn nữa
Nhà phân tích thị trường Edward Moya
Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 4,467 triệu thùng trong tuần trước lên 426,6 triệu thùng, mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng và vượt xa dự báo của giới quan sát.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu cũng giảm 174.000 thùng/ngày, trong khi công suất hoạt động sụt giảm 1,2 điểm phần trăm. "Điều này đặt ra câu hỏi về nhu cầu nhiên liệu", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Thị trường dầu vẫn đang lao đao vì nhu cầu tại Mỹ giảm xuống. Trong khi đó, những áp lực đối với công suất lọc dầu ở nước này đã giảm đi đáng kể", ông Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định.
Các hoạt động kinh tế ở Mỹ đã suy yếu. Tốc độ tăng trưởng của những công ty sản xuất tại Mỹ trong tháng 7 rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Trong khi đó, các chỉ số sản xuất ở Trung Quốc và châu Âu cũng chậm lại đáng kể.
Theo ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, nhu cầu bị phá hủy sẽ tạo cơ hội cho cung theo kịp cầu.
Xóa sạch mức tăng
Đà tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm của giá dầu đã đảo chiều. Sau khi ghi nhận 2 tháng giảm liên tiếp, giá dầu tiếp tục giảm sâu trong tháng 8.
Đà bán tháo trên thị trường dầu đã xóa sạch mức tăng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Giá nhiên liệu lao dốc sẽ giảm bớt áp lực lạm phát đang đè nặng lên các nền kinh tế toàn cầu. Kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu buộc phải mạnh tay nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả.
Việc các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách đã gây ra nỗi lo ngại suy thoái, ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu năng lượng.
Một phần nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc trong tuần này là Libya nối lại các hoạt động sản xuất sau giai đoạn biến động. Như vậy, xuất khẩu của quốc gia thành viên OPEC có thể ổn định ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày và giảm bớt tình trạng thắt chặt trên thị trường.
Giá dầu tiếp tục sụt giảm ngay cả khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đồng ý nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Đây được đánh giá là con số khá nhỏ.
OPEC+ cũng đã cảnh báo rằng công suất dự phòng của nhóm là rất hạn chế. Trong khi đó, Saudi Arabia - nước hiếm hoi có thể tăng sản lượng đáng kể - vừa tăng giá bán sang châu Á lên mức kỷ lục.