Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – đơn vị trực tiếp hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã tổng hợp số liệu lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đến hết tháng 6/2023, qua đó cho thấy số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 .
Lao động thất nghiệp có xu hướng chuyển dịch công việc sang lĩnh vực khác
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP. Hà Nội có 43.574 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 33.000 người).
Trong đó, số người có quyết định hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là 42.892 người, tăng 31% so với cùng kỳ 2022 (tăng 32.678 người). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3.952.409 đồng/người/tháng.
Nguyên nhân chính khiến người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; hết hạn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc; chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trước thời hạn; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do người lao động chuyển sang làm việc ở lĩnh vực mới hoặc chuyển sang cộng việc mới, hoặc cũng có những doanh nghiệp các tháng đầu năm gặp khó khăn nên giảm thời gian làm việc, giãn việc; khi họ áp dụng hình thức này thì nhiều lao động bị giảm thu nhập nên đã xin nghỉ việc.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam cũng nhìn nhận, cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cũng rất rõ rệt. “Người lao động ưa thích tìm kiếm những công việc linh hoạt, bán thời gian, với nhiều ngành nghề, thu nhập ổn định”, ông Sơn nói.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, số lao động đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng là thực tế thị trường lao động. Qua đánh giá trực tiếp từ cơ sở dữ liệu nguồn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trên địa bàn Hà Nội không có nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc ồ ạt.
Số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp nửa đầu năm 2023 dù tăng so với cùng kỳ song chưa đến mức lo ngại bằng các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, dẫn đến nhiều đơn vị cho người lao lao động nghỉ việc một cách ồ ạt. Đó cũng là những nguy cơ báo hiệu sự đi xuống của thị trường lao động.
Tìm giải pháp tăng tạo việc làm, giảm thất nghiệp
Thực trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp cũng tác động kéo giảm số lao động được tạo việc làm trên địa bàn Hà Nội trong nửa đầu năm. Sở Lao động – Thương binh Hà Nội thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 113.000 lao động, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ..., vì vậy, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, việc cắt giảm lao động cũng có thể là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay.
Trước thực tế này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết để đảm bảo được mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%..., Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm mới cho người lao động.
Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho biết từ nay đến cuối năm, căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề phù hợp với các nhóm đối tượng lao động. Qua đó, nhằm hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm, với hơn 3.600 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 60.034 người; hơn 25.000 lao động được phỏng vấn và đã có hơn 8.800 lao động được tuyển dụng tại phiên.