Thông tin được ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Cục Việc làm – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết ngày 4/1.
Thông tin cụ thể về tình hình lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ông Ngô Xuân Liễu cho biết, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 4/2022 (từ ngày 1/10/2022 đến 18/12/2022) là 185.199 người, giảm 17% so với quý 3, song lại tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 (160.986 người).
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là hơn 3,4 triệu đồng, trong đó, mức hưởng bình quân cao nhất cả nước là 5,3 triệu đồng (tại TP.HCM), mức hưởng bình quân thấp nhất là 2,9 triệu đồng (tại Quảng Nam).
Theo ông Liễu, số liệu thể hiện tỷ lệ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp những tháng cuối năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 có tăng nhưng không phải đột biến, đặc biệt quý 4 số hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp so với quý trước còn giảm.
“Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của năm 2022 là phản ánh hết sức khách quan tình hình của thị trường lao động, so với cùng kỳ năm trước, số nộp hồ sơ tăng hơn nhưng không phải bất thường, tính chung cả năm chỉ tăng từ 5 – 7% so với năm 2021. Các số liệu cũng thể hiện không có sự xáo trộn trong thị trường lao động”, ông Liễu thông tin.
Về tình trạng những tháng cuối năm 2022, một số ngành, lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng do tác động từ tình hình thế giới, dẫn đến giảm lao động, thiếu việc làm ở một bộ phận, song ông Liễu đánh giá, nhìn tổng quan chung về thị trường lao động vẫn vận hành ổn định.
Theo dự báo của nhiều đơn vị, chuyên gia, sau Tết tình hình kinh tế thế giới vẫn sẽ còn biến động, trong khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, vì vậy sự ảnh hưởng từ bối cảnh chung sẽ tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp trong nước cũng như bức tranh thị trường lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dự báo, những tháng đầu năm 2023, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của người lao động, gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm trên 15.000 lao động.
Trước những bối cảnh đó, ông Ngô Xuân Liễu cho rằng, để thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, việc doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động là vấn đề hết sức bình thường, đặc biệt ở một số ngành liên quan đến xuất khẩu. Vì vậy, số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng trong đầu năm 2023, song yếu tố này cũng không đáng lo ngại và cũng không phải điều bất ngờ.
Theo ông Liễu, dù một số ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng đơn hàng, thu hẹp sản xuất, nhưng số lao động trong các ngành này chỉ chiếm tỷ trọng ít trong thị trường lao động, điểm sáng là có những ngành khác vẫn mở rộng, ví dụ như dịch vụ. Với nhiều yếu tố cộng hưởng như đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng tại một số địa phương vẫn tăng, đặc biệt tại phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang…
Trước tình hình đó, ở góc độ đơn vị kết nối, hỗ trợ giải quyết việc làm, ông Ngô Xuân Liễu cho biết, đơn vị này đang tính toán các phương án để hỗ trợ sắp xếp lại việc làm cho người lao động khi doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, để sau khi doanh nghiệp phải cắt giảm lao động có thể bố trí ngay được công việc mới phù hợp với điều kiện, khả năng của người lao động và thị trường lao động ở từng địa phương, khu vực.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm cũng nhấn mạnh, việc đào tạo, đào tạo lại là một trong những giải pháp trọng tâm và quan trọng, bởi lẽ việc hỗ trợ đào tạo là chủ trương chung không chỉ nằm ở chính sách bảo hiểm thất nghiệp mà còn ở nhiều chính sách chung khác.
“Nguồn nhân lực ngày càng đòi hỏi phải có trình độ, chuyên môn kỹ thuật, vì vậy việc đào tạo lại, đào tạo mới là hết sức thường xuyên. Riêng về vấn đề đào tạo từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm tới đây, chúng tôi sẽ tính đến việc xây dựng các chính sách phù hợp, để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được thuận lợi, hiệu quả nhất”, ông Ngô Xuân Liễu khẳng định.
Theo đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội lớn, cần đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả người lao động và doanh nghiệp. “Vấn đề là thực hiện chính sách có hiệu quả tối ưu nhất cho cả hai bên. Chúng tôi cho rằng, giải quyết việc làm cho người lao động cũng là phát triển doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế”, ông Ngô Xuân Liễu nhìn nhận.