Nội dung chính:
- Việc xây dựng và bán thuỷ điện cho các nước láng giềng đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Lào.
- Tuy nhiên, xây dựng thuỷ điện ở đầu nguồn cũng gây rủi ro về môi trường và sinh kế của người dân ở hạ nguồn sông Mê Kông, trong đó có vùng ĐBSCL của Việt Nam.
- Thái Lan, người mua lớn nhất của điện Lào đứng trước áp lực phải thay đổi chiến lược mua điện, để hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái sông Mê Kông.
Lào có địa hình 70% đồi núi, có các nhánh chính của sông Mê Kông và chứa khoảng một phần ba lưu vực sông Mê Kông. Đặc điểm địa lý này, cùng với lượng mưa hàng năm tương đối cao, mang lại cho Lào tiềm năng thủy điện lên tới hơn 18.000 MW, không bao gồm dòng chính của sông Mê Kông và lên tới 27.000 MW nếu tính cả dòng chính của sông này.
Với niềm năng đó, Lào đang tham vọng trở thành “cục pin khổng lồ” của Đông Nam Á - xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Theo ARMO, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, và nguồn đầu tư nước ngoài, ngành điện Lào đã phát triển theo cấp số nhân và nhanh chóng trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Trong thập kỷ qua, tỷ trọng của ngành điện trong GDP của Lào đã tăng từ 4% lên 11%, trong khi tỷ trọng của ngành này trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần lên 22%.
Điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu của Lào vào năm 2022, với trị giá 2,35 tỷ USD. Theo ADB, tiềm năng của Lào trong việc xuất khẩu thuỷ điện sẽ ảnh hưởng lớn đến tham vọng thoát khỏi nhóm quốc gia kém phát triển nhất thế giới vào năm 2024, được đề cập trong mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Đến nay, Lào đã xây dựng 78 công trình thủy điện, với công suất 9.972 MW, hàng năm sản xuất được 52,211 tỷ kWh và xuất khẩu được 6.620 MW. Chính phủ Lào đã lên kế hoạch xây dựng 9 nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, tổng công suất lên tới 8.978 MW. Trong đó, 6 dự án xây dựng đập trên dòng chính đã đã được đệ trình lên Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) theo quy trình tham vấn trước.
Áp lực từ nguồn cung
Các con đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong đứng trước sự phản đối của nhiều chuyên gia môi trường vì rủi ro làm gián đoạn hệ sinh thái sông Mê Kông.
Sông Mê Kông, dòng sông có tên gọi mang ý nghĩa “mẹ nước”, là dòng sông quan trọng nhất thế giới về nguồn thủy sản nội địa, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Dòng sông cũng bồi đắp dinh dưỡng cho đất nông nghiệp ven sông, bãi bồi; và cung cấp phù sa cho vùng hạ lưu, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Sông này cũng là nguồn sinh kế, và nguồn cung cấp điện cho gần 70 triệu người sống trong lưu vực sông và xa hơn nữa.
Tuy nhiên lượng phù sa đang ít dần.
Phân tích dữ liệu vệ tinh của Công ty Viễn thám thủy sinh EOMAP (Đức), MRC và Reuters cho thấy vào năm 2020, chỉ khoảng 1/3 lượng trầm tích phù sa còn đến được vùng đồng bằng Việt Nam (so với năm 2007), tức chỉ còn 47 triệu tấn phù sa/năm.
Trên thực tế, đến nay lượng phù sa chảy về có thể thấp hơn nhiều - ước tính chỉ còn khoảng 32 triệu tấn/năm. Với tốc độ suy giảm hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính vào năm 2040 vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa/năm.
Các hệ thống thủy điện sông Mekong còn tác động đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Mekong và gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng khẳng định, là quốc gia ở hạ du của sông Mê Kông, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và lũy tích của các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông.
“Người mua điện lớn nhất” lại đang thừa điện
Áp lực với điện xuất khẩu Lào không chỉ đến từ nguồn cung khi việc khai thác nguồn nước sông Mê Kông sẽ ngày càng khó khăn, mà còn đến từ phía cầu, khi Thái Lan - khách hàng lớn nhất đang thừa điện.
Việc phát triển thuỷ điện, vốn không phải chỉ phụ thuộc vào mục tiêu của Lào, mà còn phụ thuộc vào người mua điện, và các nhà phát triển, vì Lào gặp hạn chế về khả năng tiếp cận tài chính.
Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất điện trên khắp khu vực sông Mekong. Các công ty Thái Lan tham gia vào 60% (6.267 MW) công suất điện hiện có ở Lào và cả trong nhiều dự án đã được lên kế hoạch. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai sau Thái Lan.
Đồng thời, Thái Lan cũng là người mua điện lớn nhất của Lào. Năm 2021, trong tổng công suất điện lắp đặt 10.400 MW của Lào, 80% được tạo ra bởi các đập thủy điện, và trên 50% (5.421 MW) được xuất khẩu sang Thái Lan. Trước đó, vào năm 2016, Thái Lan đã ký một Biên bản ghi nhớ với Lào để mua 9.000 MW điện. Lào đang xúc tiến xây dựng một loạt các đập được đề xuất trên dòng chính của sông Mê Kông để có thể đáp ứng MOU (biên bản ghi nhớ) này.
Quyết định của Thái Lan trong việc mua điện từ Lào sẽ có ý nghĩa lớn đối với hệ sinh thái của sông Mekong, và hàng chục triệu người có sinh kế phụ thuộc vào nó.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Thái Lan hiện nay không quá cao, với tốc độ trung bình hàng năm chưa tới 4%. Mặt khác, hiện nay, công suất điện ở Thái Lan cũng đang vượt nhu cầu thực tế.
Ông Itthaboon Onwongsa, Phó tổng thư ký của Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan cho biết, công suất điện của Thái Lan vượt xa nhu cầu thực tế. Ví dụ vào tháng 4/2022, mức tiêu thụ điện năng đạt đỉnh 33.177 MW, nhưng Thái Lan có tổng công suất 51.040 MW trong tháng đó.
Công suất dư thừa cao này bị cho là biểu hiện của sự kém hiệu quả của hệ thống và đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của việc tiếp tục nhập khẩu điện, hoặc xây dựng các nhà máy điện mới trong ngắn hạn.
Việc giảm nhập khẩu điện từ Lào sẽ phức tạp do MOU, nhưng công suất dư thừa hiện có, cùng với quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo đang tạo cơ hội để Thái Lan xem xét lại thời điểm và loại điện mà Thái Lan lựa chọn nhập khẩu.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson - một trung tâm nghiên cứu uy tín ở Washington (Mỹ) cũng đưa ra các kịch bản khác mà Thái Lan có thể lựa chọn trong việc mua bán điện với Lào, như mua điện từ các con đập ở nhánh sông Mê Kong nội địa Lào thay vì dòng chính, hoặc mua điện mặt trời nổi được xây dựng trên các hồ chứa của các con đập thủy điện đang hoạt động ở Lào.
Nếu các nhà hoạch định chính sách Thái Lan kết hợp các yếu tố như chi phí, tính bền vững môi trường và tác động đa ngành vào các quyết định đầu tư và kinh doanh điện với các nước láng giềng, thì Thái Lan có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc giúp Lào chuyển hướng sang một quỹ đạo phát triển bền vững và đa dạng hơn đồng thời cũng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, đáp ứng các cam kết của Thái Lan theo Thỏa thuận Paris và hỗ trợ tiến trình khu vực hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Bản thân Lào cũng đang có những tuyên bố cho thấy nỗ lực đa dạng hóa phát triển năng lượng. Nikkei Asia cho biết kế hoạch phát triển của Viêng Chăn đến năm 2030 kêu gọi duy trì tỷ lệ sản xuất thủy điện hiện tại, đồng thời chuyển dần gần 30% được tạo ra từ nhiệt điện sang các nguồn tái tạo khác, chẳng hạn như gió.