Đây là hạng mục hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (phường 4, Q. Tân Bình), khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Theo đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chủ đầu tư dự án, cho biết hiện đang trong quá trình thi công hầm chui của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhằm giải tỏa ùn tắc trước sân bay Tân Sơn Nhất.
Để thực hiện hạng mục này, công viên Hoàng Văn Thụ sẽ bị cắt khoảng 1.600 m2 diện tích. Phần diện tích này nằm phía đường Phan Thúc Duyện và đang được phá dỡ, làm đường tạm. Hơn 300 cây xanh trong khu vực cũng được đốn hạ, di dời để triển khai dự án.
Giải thích lý do vì sao phải lấy đất công viên Hoàng Văn Thụ để thi công dự án, TCIP cho biết, vì để thi công hạng mục hầm chui này, công trường sẽ chiếm dụng hai làn xe đường Phan Thúc Duyện. Do vậy, đơn vị xén một phần đất công viên làm đường tạm, tổ chức giao thông cho xe chạy vì nơi đây là cửa ngõ sân bay, lại ngay vòng xoay Lăng Cha Cả, có lưu lượng phương tiện rất lớn.
Cây cầu bộ hành bắc qua đường Phan Thúc Duyện nối hai bên công viên Hoàng Văn Thụ đã được tháo dỡ để thi công dự án. TCIP cũng cho biết, sau khi công trình hoàn thành sẽ trả lại khoảng 700 m2 và tái lập cây xanh, phần còn lại làm vỉa hè.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng, là công trình trọng điểm do Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất xây dựng hồi năm 2016, được khởi công vào cuối năm 2022. Hạng mục hầm chui này là gói thầu đầu tiên được triển khai.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 4 km (điểm đầu giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, điểm cuối giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh), vận tốc thiết kế 50 km/h, quy mô 6 làn xe. Công trình gồm phần đường, cầu vượt và hầm chui; trong đó cầu vượt ở vị trí trước nhà ga T3 có chiều dài 988 m, rộng 17 m (4 làn xe), hai hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 400 m) và nút giao đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 300 m).
Dự án được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ việc khai thác nhà ga hành khách T3 (đang xây dựng), góp phần nâng công khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm theo kế hoạch đã đề ra.
Trước đó, tại buổi giám sát TCIP về thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 của Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và đoàn công tác (ngày 10/5/2023), TCIP đã báo cáo cho biết: Tính đến tháng 3/2023, lũy kế vốn TCIP được bố trí là 14.290 tỷ đồng, kết quả giải ngân đạt khoảng 34%, tương đương khoảng 4.777 tỷ đồng. Trong số đó, có 135 dự án dự kiến được hoàn thành trong kỳ trung hạn 2021 – 2025, 27 dự án dự kiến chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030; có 46 dự án vướng giải phóng mặt bằng và hầu như đang dừng lại và giải quyết khó khăn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP cho biết, công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 TCIP được giao 19.897 tỷ đồng, dự kiến sẽ tiếp tục được giao thêm 15.174 tỷ đồng, tổng cộng hơn 34.500 tỷ đồng. Trong tổng vốn này, vốn chi cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chiếm 75%.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa là một trong ba dự án cửa ngõ trọng điểm của TP.HCM. Hai dự án khác là dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) với tổng kinh phí 3.770 tỷ đồng và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), đã khởi công cuối tháng 12/202. Đây là những “điểm đen” về kẹt xe ở khu vực cửa ngõ ra vào phía bắc, phía đông và phía nam của TP.HCM.