Gần đây, Kim Young Jae, nhân viên văn phòng 40 tuổi, cảm thấy rất muốn ngừng dùng Internet, nhất là sau khi xảy ra thảm kịch ở Itaewon ngày 29/10, khiến 157 người chết. Những ngày sau đó, các trang tin tức và mạng xã hội tràn ngập thông tin, hình ảnh về vụ việc.
“Tôi bị choáng ngợp bởi lượng thông tin về thảm kịch Itaewon. Tôi đã cố không kiểm tra điện thoại trong nhiều giờ”, Kim nói với Korea Herald.
Đối với Han Chang Woo, nhân viên kế toán 34 tuổi, sự cố ngừng hoạt động trong khoảng 127 giờ của ứng dụng Kakao đã khiến anh nhận ra giá trị của một kỳ nghỉ cuối tuần không mạng xã hội.
“Thông thường, tôi kiểm tra điện thoại hơn chục lần trong 1 tiếng nhưng khi Kakao sập, tôi có thể tập trung vào một buổi họp mặt gia đình nhân dịp sinh nhật mẹ. Cuối tuần đó, tôi cảm thấy thực sự thư thái hơn mọi khi”.
Quá tải
Theo một cuộc khảo sát do Job Korea thực hiện vào tháng 9/2021, 63,9% người được hỏi nói đã gặp căng thẳng do quá tải kỹ thuật số. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 440 nhân viên văn phòng trải qua quá trình thay đổi sang làm việc từ xa, không gặp trực tiếp sau khi đại dịch bùng phát.
Nguyên nhân lớn nhất khiến họ căng thẳng là do thường xuyên liên lạc công việc thông qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Nhóm người tham gia workshop làm đồ gỗ của Healience Seonmaeul. Ảnh: Healience Seonmaeul.
Ba trong số 10 nhân viên văn phòng cho biết họ cai nghiện kỹ thuật số bằng những cách như đặt giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị hay đọc sách trong thời gian đáng lẽ thường dành cho Internet.
Yang Yoon, giáo sư tâm lý học tại Đại học nữ Ewha, cho biết cai nghiện kỹ thuật số sẽ tác động tích cực đến mọi người vì họ có thể cảm thấy giảm bớt sự thôi thúc hoặc phụ thuộc vào các thiết bị.
“Điện thoại thông minh và mạng xã hội là xu hướng không thể phủ nhận và không thể cưỡng lại trong thế giới kỹ thuật số này. Nhưng khi mọi người nghĩ rằng họ bị ràng buộc vào một thứ gì đó, họ muốn lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình nhiều hơn”, ông nói.
Nghỉ dưỡng không điện thoại, Internet
Cai nghiện kỹ thuật số cần một quyết tâm mạnh mẽ để có thể bỏ điện thoại xuống trong một thời gian. Tuy nhiên, một số người muốn rút lui khỏi cuộc sống kỹ thuật số, hoàn toàn “ngắt kết nối” trong thường ngày.
Healience Seonmaeul, ở Hongcheon-gun, tỉnh Gangwon, là nơi nghỉ dưỡng được thiết kế để giúp mọi người thay đổi thói quen xấu, giảm căng thẳng, thúc đẩy khả năng chữa bệnh của tự nhiên. Nơi này ẩn mình trên một ngọn đồi đầy cây xanh, không cung cấp dịch vụ điện thoại.
Được thành lập bởi Lee Si Hyung, bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học vào năm 2007, khu nghỉ dưỡng gợi ý du khách quên đi những kết nối với thế giới bên ngoài và tập trung vào nội tâm của mình.
Thay vì liên tục kiểm tra điện thoại, có các lớp thiền và ghế dài được đặt khắp khu nghỉ để khuyến khích khách hàng ngắm nhìn thiên nhiên.
“Bạn có thể thoát khỏi nền văn minh kỹ thuật số, có nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn, cho bản thân nhiều hơn, thư giãn cơ thể và tâm hồn. Đó có thể là thời gian để bạn tập trung vào bản thân và gia đình”, Choi Hong Sik, giám đốc Healience Seonmaeul, cho biết.
Làng thiền Odaesan, nằm ở Pyeongchang, tỉnh Gangwon, cũng là một địa điểm nghỉ ngơi chữa lành khác được nhiều người muốn cai nghiện kỹ thuật số và thiền định ghé thăm. Tại đây, mỗi phòng được dựng bằng gỗ bách, không có tivi, kết nối Internet hay tủ lạnh. Thay vào đó, nơi này có quán cà phê sách và không gian thiền.
Kim Yoo-jin, 36 tuổi, đến đây cùng con gái vào tháng 5, cho biết hai mẹ con đã có một trải nghiệm độc đáo.
“Trẻ em ngày nay cũng bận rộn như người lớn và dễ bị căng thẳng do các phương tiện kỹ thuật số từ sớm. Tôi muốn bản thân và con gái học cách sống chậm lại trong hai ngày, thư thái đầu óc”, cô chia sẻ.