Bailey Harris, 25 tuổi, là nhân viên tuyển dụng của một công ty công nghệ lớn trong hơn 1 năm, trước khi cô bị cho thôi việc vào tháng 1 vừa qua. Sau cú sốc, cô quyết định chia sẻ câu chuyện của mình lên TikTok.
"Tôi chưa bao giờ thấy lo lắng về những tin tức sa thải nhân viên, không ngờ điều này lại đến với mình", cô ấy ngồi trên xe, ghi hình lại bằng camera điện thoại.
Đây mới là video thứ hai mà Harris từng thực hiện, nhưng chỉ trong một ngày, đoạn clip được thuật toán đưa lên xu hướng, thu hút hơn 400.000 lượt xem, tính đến 16/2.
Lên mạng kể chuyện thất nghiệp
Thấy nội dung này nhận được sự quan tâm, Harris bắt đầu đăng tải nhiều hơn về việc thất nghiệp. Các video lần lượt sau đó là chia sẻ về thị trường lao động, cách tiết kiệm tiền, đối diện với khủng hoảng kinh tế.
"Chọn làm về chủ đề này vì tôi biết rất nhiều người đang trải qua những điều tương tự, chúng tôi đồng cảm và chia sẻ với nhau. Hơn hết, mọi người thích cách tôi đối diện với hoàn cảnh”, Harris nói với The New York Times.
Chỉ riêng vài tháng qua, hơn 50.000 nhân viên đã rời khỏi Alphabet, Amazon, Meta, Microsoft, những công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ. Một vài người trong số họ đã chuyển sang TikTok để nói về những trải nghiệm và kinh nghiệm của họ.
Những “vlog sa thải" được xem là nội dung mới nổi trên nền tảng này. Những thông tin từ các nhân viên bị cho nghỉ việc đưa ra được xem là có tính xác thực và giúp những lao động trẻ mất việc bớt tổn thương.
Trong các video này, một số nhà sáng tạo trút bầu tâm sự về người sếp cũ, hoặc phơi bày những hành vi sai trái ở nơi làm việc mà họ từng chứng kiến. Một số người khác thì có mục tiêu rõ ràng hơn, họ muốn sử dụng TikTok để tìm kiếm những công việc mới.
Việc các công ty sa thải hàng loạt nhân sự là vấn đề không mới, và ý tưởng các nhân viên cũ sẽ bóc trần những gì đang xảy ra tại môi trường làm việc cũng đã cũ. Vào năm 2008, khoảng 9 triệu người Mỹ bị mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính, họ đã chia sẻ thông tin khắp nơi bằng cách gặp gỡ, gọi điện, viết lên Facebook và Twitter.
Nhưng với đợt biến động kinh tế mới này, chỉ trong một tuần, hơn 3 triệu người Mỹ thất nghiệp đã tìm đến TikTok, xem đây là cách để họ giải tỏa. Tuy nhiên, không phải video nào cũng có thể lên xu hướng.
Gabrielle Judge, một người sáng tạo nội dung giúp phụ nữ tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, cho biết đây là lần đầu tiên cô chứng kiến việc có nhiều nhân viên bị sa thải sẵn sàng quay video và chia sẻ những vấn đề của họ.
"Các nền tảng như Facebook hoặc LinkedIn đã mất dần sức hút vì không có tiềm năng lan truyền như TikTok", cô nói.
Calon DiPiero, 30 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện tại Attentive Mobile, nền tảng tiếp thị qua tin nhắn, bị cho thôi việc vào tháng trước, tiết lộ rằng cô đã quay video TikTok để mọi người nắm bắt tình hình. Cô gái cho rằng việc đăng video giúp mình vượt qua cảm giác xấu hổ khi lần đầu tiên bị cho thôi việc.
"Bạn có thể buồn, nhưng lại nhận ra có rất nhiều người cũng đang trong tình huống tương tự, từ đó bạn có thể dần học cách chấp nhận sự thật", cô nói.
Mở ra cơ hội mới, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro
Các nhà tuyển dụng cho biết TikTok có thể hữu ích trong việc kết nối và tìm kiếm việc làm. Hàng chục công ty bao gồm Target, Chipotle và Sweetgreen, đã sử dụng ứng dụng này để tuyển dụng nhân sự.
"Nếu bạn đăng tải video và nói rằng mình muốn làm gì, tìm kiếm công việc thế nào, năng lực ra sao, rất có khả năng nhiều người sẽ tìm thấy bạn", Jonathan Javier, giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Wonsulting, tổ chức giúp đỡ người lao động tìm việc làm, cho biết.
Theo Javier, việc quay các video nói về những trải nghiệm của bản thân là không sai, tuy nhiên, hãy giữ chừng mực khi trút giận về công ty, quản lý cũ. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng e ngại về thái độ và cách hành xử của bạn.
"Tôi khuyến khích mọi người nên giữ thái độ tích cực, tập trung vào mục đích tìm việc mới", ông nói thêm.
Một số người đã áp dụng lời khuyên từ Javier. Ví dụ, Harris đã từ chối tiết lộ với những người theo dõi trên TikTok về việc mình đã làm ở đâu.
"Mọi người có thể tìm ra nơi tôi từng làm việc thông qua LinkedIn, nhưng tôi chọn cách không trực tiếp nói ra. Tôi muốn sống một cuộc sống tích cực", cô khẳng định.
Brit Levy, 35 tuổi, người bị Meta sa thải vào tháng 11 năm ngoái, đã sử dụng TikTok để nói về sự thất vọng của mình với thỏa thuận thôi việc mà công ty đưa ra. Video này thu hút gần 800.000 lượt xem và hàng nghìn bình luận.
“Hàng chục cựu nhân viên Meta đã liên hệ cho tôi, chúng tôi đồng cảm vì những gì bản thân bị đối xử", cô nói.
Cô ấy và những người thất nghiệp khác đang tìm kiếm một cộng đồng để chia sẻ những khó khăn với nhau, bao gồm sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng để chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok chia sẻ chi tiết về hoàn cảnh sa thải của họ có thể gặp rủi ro pháp lý.
"Có nhiều công ty yêu cầu nhân viên ký vào các hợp đồng thỏa thuận trợ cấp cho thôi việc kèm những điều khoản chi tiết. Nếu bạn đã ký vào đó, sẽ có những tác động pháp lý nhất định", Javier nói.
Tuy vậy, Levy cho biết cô không lo lắng về những hậu quả đó, trong tương lai, cô dự định làm nhiều video hơn về vấn đề này để thu hút sự chú ý của mọi người.