Sự “lỏng lẻo” trong mối liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước được thể hiện trước hết ở tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chiếm tới khoảng 80% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2021 cũng cho thấy, việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước diễn ra khá chậm. Năm 2020, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra của VCCI và WB cho biết, họ đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là doanh nghiệp nhà nước, con số này cao hơn với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh với 14,8%.
Tình trạng liên kết “lỏng lẻo” còn thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5%.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được cải thiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn do năng lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và còn một khoảng cách rất xa mới có thể “đuổi kịp” được doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong khi đó, theo PGS, TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI: Các doanh nghiệp FDI lại đặt ra những yêu cầu rất cao khi liên kết với doanh nghiệp nội. Điển hình như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), họ đặt ra 18 tiêu chí kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trách nhiệm cộng đồng… cho doanh nghiệp trong nước nếu muốn trở thành vendor cấp 1 của Samsung.
"Mặc dù đã có những doanh nghiệp trong nước đáp ứng được, nhưng đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu rất nhiều tiêu chí mới có thể đáp ứng được yêu cầu trên của Samsung" - ông Nguyễn Mại thông tin thêm.
Nói về khoảng cách giữa hai khu vực doanh nghiệp, một chuyên gia kinh tế đã từng ví von, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là học sinh lớp 5, trong khi doanh nghiệp FDI đã tốt nghiệp cấp 3, thậm chí tốt nghiệp đại học, và họ đòi hỏi đối tác của mình cũng phải ở trình độ tương đương. Do đó, giữa 2 khu vực có một khoảng cách khá xa mà khó có thể “bắt tay” với nhau được ở thời điểm hiện tại.
Chung quan điểm trên, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Sự chênh lệch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang rất lớn. Trong đó, doanh nghiệp FDI giống như những chàng hoàng tử, họ đến Việt Nam để tìm “ý trung nhân”.
"Nhưng doanh nghiệp trong nước lại là những cô gái èo uột, thiếu sức sống, không biết làm gì cả, cũng không biết nấu ăn và chẳng biết nói chuyện. Vậy thì họ có muốn kết hợp không?!" - ông Phan Hữu Thắng đặt câu hỏi?.
Như vậy có thể thấy, khoảng cách về trình độ, công nghệ đang trở thành một trong những hàng rào vô hình, cản trở sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đó cũng là lý do, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dù rất mong muốn được “bắt tay” với doanh nghiệp Việt Nam, muốn “đặt hàng” doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh, phụ kiện để phục vụ dây chuyền sản xuất của họ, nhưng bản thân các doanh nghiệp trong nước với 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đa số những doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng được đòi hỏi của các tập đoàn nước ngoài.
Để giải bài toán này, chúng ta cần tạo cơ chế thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó kéo gần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm được như vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nâng cấp năng lực, chủ động đầu tư công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực. Nói theo cách ví von của ông Thắng ở trên - trở thành những "ý trung nhân" đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp FDI.