Sở Du lịch TP.HCM và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai mới đây đã phối hợp tổ chức chuyến khảo sát thực địa nhằm kết nối phát triển du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
"Làm mới" tour/ tuyến bằng tàu hỏa, buýt sông
Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, lữ hành tại TP.HCM và nhiều địa phương lân cận trong thời gian qua đã rất quan tâm đến việc làm thế nào để khai thác lợi thế các tour/tuyến du lịch nội địa, nội vùng, nội tỉnh nhằm thu hút khách du lịch, “làm mới” các điểm đến, đa dạng hóa, phong phú hóa các điểm “được làm mới”…
Trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (cách trung tâm Sài Gòn hơn 30 km), hiện có nhiều điểm tham quan, du lịch, ẩm thực như: Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, Khu du lịch Sơn Tiên, Khu du lịch Bửu Long; các địa chỉ trải nghiệm như cùng làm gốm với nghệ nhân Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, dịch vụ tắm bùn, tắm khoáng tại Điểm du lịch Thiền Tâm; thưởng thức ẩm thực…
“Vườn Xoài” nhưng không có trái xoài. Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài lại là nơi tập trung, quy tụ rất nhiều loài, cá thể động vật quý hiếm trong nước và thế giới, thu hút và tạo cảm giác thích thú, lạ lẫm cho du khách. Hay như tại trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, du khách sẽ được chứng kiến và trải nghiệm trực tiếp quy trình làm gốm cũng như được hướng dẫn tự làm tại chỗ…
Ông Nguyễn Hữu Ân, Phó phòng Quy hoạch Phát triển tài nguyên du lịch thuộc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết điểm nhấn của tour khảo sát tập trung việc trải nghiệm di chuyển bằng tàu hỏa trên hành trình từ ga Sài Gòn (TP.HCM), đia qua địa phận tỉnh Bình Dương, đến ga Biên Hòa (Đồng Nai).
Cũng theo ông Ân, từ tháng 8/2022 đến nay, TP.HCM và Đồng Nai đã xây dựng được ba tour khảo sát các điểm đến tại Đồng Nai để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa vào khai thác, chào bán với các du khách. Các doanh nghiệp sẽ dựa trên các điểm đến, loại hình giao thông khai thác có thể sáng tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, mang đến nhiều sự lựa chọn cho du khách.
Tour du lịch kết hợp Sài Gòn - Đồng Nai "Đi tảu hỏa, về buýt sông" gây tò mò và thích thú du khách.
Trong tháng 12 sắp tới, Sở Du lịch TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức “Tuần lễ Du lịch TP.HCM” tạo nên chuỗi sự kiện du lịch – thể thao – âm nhạc giàu tính trải nghiệm, phục vụ du khách. Bao gồm: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hozo lần II, Ngày hội khinh khí cầu lần II, Giải Marathon quốc tế TP.HCM Techcombank mùa thứ 5 năm 2022, Cột cờ Thủ Ngữ, “Hub” thông tin du lịch và hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo…
Đây là các hoạt động hưởng ứng không khí mùa lễ hội cuối năm 2022, thu hút du khách trong và ngoài nước, trong đó có du khách của Đồng Nai, Bình Dương; đồng thời cũng mang lại cơ hội kích cầu du lịch nội địa, góp phần tăng trưởng ngành du lịch TP.HCM cùng các tỉnh, thành trên cả nước.
Phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn
Tỉnh ủy Đồng Nai đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ đột phá, để khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả sớm đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng cũng là một thách thức với Đồng Nai.
Kế hoạch số 118-KH/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Đồng Nai nhằm phát triển du lịch và đưa du lịch Đồng Nai thành ngành kinh tế quan trọng, cũng đã được khởi động hơn 5 năm qua.
Trong quá trình hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai với nhiều dấu ấn đậm nét của đất và người phương Nam đã tạo nên những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng. Theo thống kê, đến nay Đồng Nai đã có 57 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (trong đó hai di tích quốc gia đặc biệt) và khoảng 1.500 di tích phổ thông khác.
Giữa tháng 8/2022, ngành du lịch hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai cũng đã khai trương tuyến du lịch kết hợp đường bộ, đường thủy và tàu hỏa với tour “Đi tàu hỏa, về buýt sông”. Cụ thể, du khách được trải nghiệm phương tiện tàu hỏa lượt đi từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và lượt về đi buýt sông từ bến tàu thủy Bình An (Biên Hòa) về bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM). Hành trình đi qua những điểm du lịch hấp dẫn của hai địa phương.
Du lịch nội vùng, liên vùng bằng tàu hỏa là một tour mới nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.
Các tuyến buýt sông, du thuyền 24 giờ Sài Gòn đi Bình Dương, địa đạo Củ Chi cũng đã được ngành du lịch TP.HCM, Bình Dương tổ chức khai thác phục vụ nhu cầu của du khách, góp phần kích cầu du lịch nội địa, nội vùng trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn phục hồi du lịch “hậu Covid”.
Thị trường du lịch TP.HCM những tháng cuối năm 2022 ghi nhận khá tất bật và được đánh giá sẽ bùng nổ mạnh, nhất là vào những tháng lễ, tết như Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán… Số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho biết đến hết tháng 9/2022, TP.HCM đã đón trên 23,7 triệu lượt du khách, gồm 21,6 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách du lịch. Tổng thu hơn 92.300 tỷ đồng, vượt 15,5% kế hoạch đề ra.
Các chuyên gia dự đoán, thị trường du lịch sẽ bùng nổ vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, vì nhiều nguyên nhân. Trước tiên, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch,… đã từng bước phục hồi và đang vào giai đoạn tăng trưởng trở lại.
Đại diện hiệp hội du lịch các địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng đã ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch; trong đó chú trọng khảo sát, nghiên cứu đưa ra sản phẩm, dịch vụ liên tỉnh mới vào phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Trước đó, TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch tạo trục phát triển du lịch TP.HCM – Đồng bằng sông Cửu Long trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển. Thỏa thuận hợp tác nhằm bảo đảm hiệu quả thiết thực cho cộng đồng; trong đó doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hợp tác này.