Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) trong tháng 8 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy do giá năng lượng tăng chóng mặt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Nguồn cung khí đốt mà Nga bơm cho châu Âu tiếp tục bị siết chặt hơn nữa, khi hãng khí đốt quốc doanh Gazprom bắt đầu khoá đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày để bảo trì.
Số liệu do cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 31/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 9,1% trong tháng 8 so với mức kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp lập kỷ lục của lạm phát ở Eurozone, bắt đầu từ tháng 11/2021. Trong tháng 7, tỷ lệ lạm phát của khu vực này là 8,9%.
Những con số lạm phát gây "chóng mặt" và áp lực tăng lãi suất
Theo Eurostat, với mức tăng 38,3%, giá năng lượng đóng góp “khủng” nhất vào lạm phát toàn phần, cho dù mức tăng này đã giảm nhẹ từ 39,6% trong tháng 7. Nhóm lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 10,6%, so với mức tăng 9,8% trong tháng 7. Thời tiết nắng nóng và khô hạn bất thường ở châu Âu trong tháng 8 được cho là giữ một vai trò không nhỏ trong việc đẩy lạm phát lên cao.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, lạm phát tháng 8 là 8,8%, cao nhất trong gần nửa thế kỷ. Một số nền kinh tế láng giềng của Đức chứng kiến sự dịu đi của lạm phát, nhưng con số vẫn ở mức cao như Pháp với 6,5% và Tây Ban Nha với 10,3%.
“ECB đang chậm hơn nhiều so với lạm phát. Tốc độ lạm phát đang cao bất thường và có khả năng duy trì xu hướng này trong ít nhất 6 tháng tới”.
Ông Kenneth Wattret, trưởng bộ phận kinh tế học thuộc S&P Global Market Intelligence
Các nước có mức lạm phát cao nhất trong Eurozone trong tháng 8 là Estonia (25,2%), Lithuania (21,1%); và Latvia 920,8%). Malta, Phần Lan và Pháp là 3 nước có mức lạm phát thấp nhất, với lạm phát của Malta và Phần Lan tương ứng là 7,1% và 7,6%.
Đà leo thang chóng mặt của lạm phát diễn ra khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất mạnh nữa trong tháng 9. ECB đã nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào hôm 21/7, đánh dấu đợt tăng đầu tiên sau 11 năm. Giới phân tích đang kỳ vọng ECB có thêm bước nhảy lãi suất tương tự hoặc 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 8/9.
“Một số thành viên ECB đang nghiêng về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Mặc cho sự giảm tốc của nền kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ không từ bỏ nỗ lực tăng lãi suất”, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu Peter Schaffrik của RBC Capital Markets phát biểu.
Ông Kenneth Wattret, trưởng bộ phận kinh tế học thuộc S&P Global Market Intelligence, nói với hãng tin CNBC rằng triển vọng kinh tế châu Âu đang “khá là u ám”. “Có vẻ như khu vực sử dụng đồng Euro đang rơi vào suy thoái. Câu hỏi là suy thoái sẽ sâu tới mức nào và kéo dài trong bao lâu”, ông Wattret nói và cho rằng ECB “đang phải đuổi bắt” lạm phát.
“ECB đang chậm hơn nhiều so với lạm phát. Tốc độ lạm phát đang cao bất thường và có khả năng duy trì xu hướng này trong ít nhất 6 tháng tới”, ông nhận định.
Trả lời phỏng vấn CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng chống lạm phát đang là trọng tâm chính của các nước châu Âu. “Thách thức chính mà tất cả chúng tôi phải đối mặt trong vài tuần và vài tháng tới là giảm mức lạm phát ở châu Âu”, ông Le Maire nói. “Bởi vậy, ECB cần phải đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng họ sẽ đưa ra được quyết định đúng, nhưng mấu chốt là phải giảm được lạm phát ở châu Âu”.
Nỗi lo ngày càng lớn về dòng chảy khí đốt
Giới phân tích cho rằng lạm phát ở châu Âu chỉ có thể xuống thang nếu cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này được tháo gỡ. Mà điều này sẽ tuỳ thuộc vào việc liệu Nga có tiếp tục cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Nói về việc Nga đóng Nord Stream 1 trong 3 ngày để bảo trì, Chủ tịch cơ quan điều phối mạng lưới của Đức Klaus Mueller nói với Reuters TV rằng Đức có thể vượt qua được giai đoạn 3 ngày này một cách an toàn, miễn sao việc cung cấp khí đốt được nối lại vào ngày thứ Bảy đúng như những gì Nga thông báo.
“Tôi cho rằng chúng tôi có thể vượt qua được. Tôi tin Nga sẽ cung cấp khí đốt trở lại ở mức ít nhất 20% công suất đường ống từ ngày thứ Bảy. Nhưng không ai dám chắc việc này cả”, ông Mueller nói.
Phát biểu ngày 31/8, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói Nga giữ vững cam kết cung cấp khí đốt theo đúng nghĩa vụ hợp đồng, nhưng không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đó do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga - theo thông tấn Interfax.
Từ cuối tháng 7, lượng khí đốt Nga bơm qua Nord Stream 1 giảm còn 20% công suất đường ống. Nga cũng đã dừng hẳn việc cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan vì các nước này từ chối yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp. Hôm thứ Ba tuần này, Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng Engie của Pháp vì mâu thuẫn trong vấn đề thanh toán.
Đối mặt với lượng khí đốt từ Nga ngày càng giảm, các nước châu Âu đã quay cuồng làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông, lo ngại rằng Nga sẽ đến một lúc nào đó “khoá van” hoàn toàn. Dự trữ khí đốt của Đức hiện đã đầy 83,65%, gần mục tiêu 85% đặt ra cho mốc thời gian ngày 1/10. Trên toàn Liên minh châu Âu (EU), dự trữ khí đốt đã đạt 80,17%, vượt mục tiêu 80% cho mốc 1/10.
Các nhà phân tích của Commerzbank nói rằng việc Đức đạt mức dự trữ khí đốt như vậy là “điều thần kỳ” và nước này đến nay vẫn mua được khí đốt với giá cao hơn từ các nhà cung cấp khác.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho biết kịch bản chính của họ là Nord Stream 1 sẽ mở cửa trở lại đúng kế hoạch. “Nếu không, câu chuyện sẽ còn nhiều bất ngờ. Với dòng chảy khí đốt giảm thấp vì thi thoảng giảm về 0, thị trường sẽ tiếp tục biến động và áp lực chính trị đối với châu Âu sẽ ngày càng lớn”, báo cáo viết.