Thời điểm Giáng sinh và Tết Dương lịch, Nguyễn Phương Mai (29 tuổi, Hà Nội), làm việc cho công ty có trụ sở ở Dubai (UAE), đi qua 6 quốc gia châu Âu gồm Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đan Mạch, Thụy Điển.
Sau vài ngày rong chơi ở Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ), cô đón năm mới tại Thái Lan và khám phá thiên đường Maldives.
“Hiện tại, tôi làm việc từ xa, có thể giải quyết công việc ở bất cứ đâu. Điều này cho phép tôi thỏa mãn đam mê khám phá những vùng đất khác nhau”, cô chia sẻ.
Tương tự Phương Mai, nhóm người trẻ làm công việc remote (từ xa), work from home (làm việc tại nhà) hoặc freelance (tự do) có thể sắp xếp lịch trình để đi du lịch liên tục sau Tết, thậm chí bất cứ thời gian nào họ muốn trong năm. Đó là sự linh hoạt mà người làm full-time (toàn thời gian) ở văn phòng khó có được.
Trải nghiệm khác biệt
Trước đây, Phương Mai từng là nhân viên văn phòng full-time. Trải qua đại dịch, khi mọi người quen dần với hình thức work from home, cô có thể dành nhiều thời gian hơn cho sở thích cá nhân mà không bỏ bê công việc.
Tết vừa qua là dịp xa nhà trong 2 năm liên tiếp của Phương Mai. Cô dần quen với việc đón Tết ở nơi xa.
“Lần đầu tiên đặt chân đến Phuket, tôi rất háo hức khám phá những hòn đảo nhỏ ở đây. Tôi cũng tranh thủ thời gian làm việc cho kịp tiến độ. Thái Lan không đón Tết như ở Việt Nam, nhưng mỗi lần đi ra đường, họ đều đặc biệt nói ‘Chúc mừng năm mới’ khi biết tôi là người Việt, cảm giác rất thú vị”.
Phương Mai phát hiện niềm đam mê xê dịch từ gần 3 năm trước, sau khi trải qua biến cố khiến sức khỏe giảm sút nhiều. Trong thời gian ngắn gần đây, cô đặt chân tới 9 quốc gia.
Hàng ngày, trừ thời gian làm báo cáo hoặc giúp xử lý công việc phát sinh, Phương Mai có thể tự do khám phá.
Cô lo lắng tương lai không đủ sức khỏe cho đam mê xê dịch nên luôn tranh thủ từng phút giây để được đi khắp nơi, không riêng dịp Tết. Dần dần, điều này trở thành thói quen không thể thiếu.
Với Phương Mai, khó khăn lớn nhất của việc xê dịch liên tục là sức khỏe. Với những chuyến đi một mình, cô thường ít có kế hoạch cụ thể, thích nơi nào sẽ ghé qua và không ham check-in dày đặc. Nếu cần nghỉ ngơi, cô có thể nằm trong khách sạn ngủ nguyên ngày để hồi sức.
“Trong tương lai, tôi vẫn muốn có thể dung hòa được giữa công việc và sở thích như lúc này. Tôi cũng cần cân nhắc cho những kế hoạch xa hơn, như viết blog để chia sẻ với mọi người về những vùng đất mình đi qua”, cô chia sẻ.
Mọi năm, Phạm Mai Hương (31 tuổi), người sáng lập kiêm điều hành dự án du lịch bụi trải nghiệm Mertrip Adventure, dành thời gian đón Tết theo kiểu truyền thống bên gia đình và lo chuyện cơm nước.
Năm nay, cô quyết định đón cái Tết khác biệt bằng chuyến phiêu lưu đến vùng Bắc Ấn xa xôi cùng con gái 4 tuổi.
“Ở miền Bắc, mọi người rất coi trọng lễ Tết và sum họp gia đình. Vào TP.HCM lập gia đình 5 năm nay, tôi cảm nhận dịp này có chút buồn và ít không khí hơn. Tôi vẫn dành mùng 1, 2 ở bên gia đình chồng. Sau đó, tôi bắt đầu đón Tết ở nơi xa từ mùng 3 Tết và vừa trở về Việt Nam vào ngày 11 âm lịch”, cô kể.
Mai Hương hiện kinh doanh riêng và làm freelancer. Cô cho biết sắp xếp công việc để đi chơi có bên thuận lợi, có bên không.
Với Mai Hương, hành trình Bắc Ấn đậm chất phiêu lưu mà chỉ khi bản thân chấp nhận và bỏ qua những giá trị về sự chỉn chu, hào nhoáng, mới có thể tìm thấy.
Với Mai Hương, du lịch đầu năm giống như bước khởi động để nạp năng lượng cho hành trình mới. Cô cảm thấy có nhiều sức sống hơn, lạc quan hơn và có cái nhìn cuộc sống ấm áp hơn cho chặng đường phía trước.
“Tôi mong mỗi chúng ta có thể dành thời gian nhiều hơn cho đam mê và sở thích vào dịp Tết. Không cần gò ép bản thân vào cái khuôn cũ kỹ. Không nhất thiết phải đầu tắt mặt tối với những mâm cỗ, nếu thấy mệt mỏi. Hãy tự cho mình đón trải nghiệm mới thật khác biệt vào những ngày này”, cô chia sẻ.
Sau hành trình đáng nhớ vào đầu năm, Mai Hương có kế hoạch đi Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Namibia, Iceland trong thời gian tới.
Dễ dàng sắp xếp
Hiện tại, công ty của Vân Giang (30 tuổi), Giám đốc phát triển kinh doanh tại nền tảng quà tặng Ulagift, áp dụng hình thức làm việc tại nhà cho nhân viên.
Mới đây, cô tham gia tour trekking thác Cổng Trời của đơn vị chuyên tổ chức các chuyến leo núi ở Nam Tây Nguyên ngày 3-5/2.
“Tôi đặt lịch từ trước Tết, tìm chuyến ngay sau Tết vì muốn có chuyến đi khai xuân đầu năm, nhẹ nhàng để vừa vận động, vừa thư giãn. Đã có kinh nghiệm trekking nhiều lần trước đây, tôi không cần chuẩn bị nhiều về đồ đạc. Tổng chi phí cho tour hết khoảng hơn 3,5 triệu đồng”.
Cứ cách 1-2 tháng, Vân Giang lại xê dịch một lần, thường là trekking để được gần gũi thiên nhiên. Do đặc thù công việc, cô cũng có những chuyến du lịch khác để tìm kiếm trải nghiệm mới thú vị cho công việc. Cô thường đi vào cuối tuần, xuất phát tối thứ 6 và trở lại TP.HCM sáng thứ 2 để đi làm.
Theo quan sát của Vân Giang, hiện nay, mọi người có cách tận hưởng thời gian trong dịp Tết khác so với trước đây. Nhiều gia đình chọn chuyến du lịch dài hoặc ngắn ngày để nghỉ ngơi thay vì chỉ ở nhà.
Với những người trong độ tuổi đi làm, Tết là thời gian để thư giãn và nhìn lại năm cũ, chuẩn bị tinh thần cho năm mới. Đi du lịch là trải nghiệm rất tốt cho bản thân.
“Tết là thời gian lý tưởng để khám phá nhiều địa điểm mà bình thường không có thời gian tới. Nhiều khi, mọi người có thể bị bất ngờ bởi chính nơi mình đã sống rất lâu, hoặc ngay trong đất nước mình, có quá nhiều cảnh đẹp mà chưa biết tới”.
Hương Nguyễn (25 tuổi, Hà Nội), travel blogger, cho biết thời điểm trong và sau Tết, có nhiều địa điểm du xuân đẹp như Hà Giang mùa hoa anh đào, Mộc Châu mùa hoa mận. Đầu năm nay, cô tranh thủ đi chơi ở gần Hà Nội, sau khi liên tục ghé thăm Sa Pa, Ninh Bình, Đà Lạt hay Quảng Ninh từ trước đó.
“Tôi chọn làm freelance nên hầu hết công việc rất dễ chủ động thời gian. Khi đi chơi, tôi có thể làm việc từ xa rất dễ dàng”, cô nói.
Với người làm về du lịch như Hương Nguyễn, việc đi trải nghiệm liên tục không hề xa lạ. Cô thường chia nhỏ thành từng đợt khác nhau để phù hợp với địa điểm mình sẽ đi, vào thời điểm đẹp nhất của nơi đó.
Những chuyến đi của Hương Nguyễn đều có chồng đồng hành. Cô thường lên kế hoạch rõ ràng và chi tiết để có hành trình hoàn hảo nhất, một phần do “bệnh nghề nghiệp”, một phần là muốn chia sẻ với mọi người. Đôi khi, cô cũng đi theo kiểu ngẫu hứng, thiên về nghỉ dưỡng.
Với công việc freelancer, Hương Nguyễn có thể làm việc từ xa rất dễ dàng khi đi du lịch.
Theo Hương Nguyễn, du lịch vào thời điểm trong và sau Tết sẽ có điểm cộng và trừ khác nhau.
“Thời gian Tết, các khu du lịch cũng như chùa chiền được trang trí và tổ chức lễ hội đặc biệt. Nhưng mặt khác, đi chơi vào dịp này cũng có thể gặp phải tình trạng đông đúc, dẫn đến chất lượng phục vụ khách hàng không được tốt như ngày thường, chưa kể giá cả cũng tăng cao”, cô nói.
Hương Nguyễn chia sẻ một số kinh nghiệm khi xê dịch trong dịp Tết hay bất cứ thời điểm nào khác trong năm là tìm hiểu kỹ nơi mình đến có gì (về văn hóa, ẩm thực, địa điểm sống ảo,... ) và ghi chú ra để không bị bỡ ngỡ. Tiếp đó, chuẩn bị đồ thiết yếu như thuốc men, kem chống nắng,... để đề phòng khi cần.