Ông Joe Biden khởi động chiến dịch tái tranh cử tổng thống trong bối cảnh cử tri Mỹ lo ngại về nền kinh tế, với lạm phát cao, lãi suất leo thang và thị trường lao động phát triển mạnh mẽ nhưng nguội lạnh.
Chiếu theo một số tiêu chí, nền kinh tế Mỹ đã cải thiện kể từ khi ông Biden nhậm chức, dần phục hồi sau cuộc suy thoái ngắn nhưng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra hồi năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm, trong bối cảnh việc làm tăng trưởng mạnh mẽ và lương cũng tăng, giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nói chung không đồng đều.
Dẫu vậy, 4/5 người được hỏi trong thăm dò gần đây của Wall Street Journal - NORC mô tả nền kinh tế Mỹ không tốt hoặc kém, trong khi gần 1/2 dự đoán tình hình kinh tế sẽ tồi tệ hơn trong những năm tới.
Các nhà kinh tế học do Wall Street Journal khảo sát trong tháng này đặt xác suất suy thoái trong 12 tháng tới ở mức 61%.
Giới phân tích chính trị cho rằng về vấn đề kinh tế, cử tri thường đổ lỗi hoặc ghi công cho tổng thống nhiều hơn mức mà cá nhân vị tổng thống ấy xứng đáng nhận được. Ngoài ra, quan điểm người Mỹ cũng thường chịu ảnh hưởng bởi tinh thần đảng phái.
Lạm phát: Giảm nhưng vẫn ở mức cao
Lạm phát Mỹ tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, xuất phát từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nhân công, các chương trình kích thích của chính phủ và nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén với các dịch vụ du lịch và ăn uống sau khi nền kinh tế mở cửa.
Tỷ lệ lạm phát - được đo bằng mức thay đổi trong 12 tháng của tỷ số giá tiêu dùng - giảm xuống 5% vào tháng 3, so với mức cao nhất gần đây là 9,1% vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với mốc 1,4% khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ tăng cao đặc biệt gây khó khăn cho hộ gia đình, với chi phí thực phẩm tăng 18,3% trong tháng 3 so với tháng 1/2021.
Chiến sự Ukraine từ tháng 2/2022 đã đẩy giá năng lượng trên toàn cầu lên cao. Giá bơm trung bình một gallon xăng không chì thông thường vào ngày 25/4 là 3,66 USD, giảm với mốc kỷ lục 5,02 USD/gallon vào ngày 14/6/2022, nhưng cao hơn giá 2,39 USD của ngày 20/1/2021.
Thị trường việc làm: Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu lao động
Tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 50 năm, giảm xuống 3,5% vào tháng trước từ mức 6,3% vào tháng 1/2021 và mức cao nhất do đại dịch (gần 15%) trong tháng 4/2020.
Chủ lao động đã tạo thêm 12,6 triệu việc làm kể từ tháng 1/2021, nâng quỹ lương quốc gia lên mức trước đại dịch vào giữa năm ngoái.
Tuy nhiên, Mỹ chứng kiến tình trạng thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực khi các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 được nới lỏng. Số cơ hội việc làm, ở mức 9,9 triệu vào tháng 2, đã vượt quá khoảng 4 triệu người Mỹ thất nghiệp.
Khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, số người tìm việc nhiều hơn cơ hội việc làm khoảng 3 triệu.
Tiền lương: Tăng, nhưng không nhanh bằng giá cả
Tiền lương tăng nhưng không theo kịp lạm phát kể từ khi ông Biden nhậm chức. Thu nhập trung bình một giờ cho tất cả nhân viên làm trong khu vực tư nhân, được điều chỉnh theo thời vụ, tăng gần 11% vào tháng 3 so với tháng 1/2021 - thấp hơn mức gần 15% của CPI cùng kỳ.
Người lao động ở nửa dưới mức phân phối thu nhập có tốc độ tăng lương cao hơn so với nhóm nửa trên.
Tài sản: Tăng kể từ đại dịch, nhưng gần đây hạ nhiệt
Tổng tài sản của người Mỹ tăng vọt sau đại dịch Covid-19, khi cổ phiếu và giá trị tài sản tăng lên. Một số giá tài sản đã giảm trong năm qua khi lãi suất tăng.
Giá trị ròng hộ gia đình - gồm tất cả tài sản, như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản trừ đi các khoản nợ như thế chấp và nợ thẻ tín dụng - đã tăng 8%, từ quý I/2021 đến quý IV/2022.
Nợ: Phình to khi chính phủ ứng phó Covid-19
Tổng dư nợ công của Mỹ tăng hơn 8.000 tỷ USD từ cuối tháng 1/2020, lên 31.460 tỷ USD vào hôm 24/4, một phần do chính phủ tăng chi tiêu ứng phó với đại dịch Covid-19.
Gần một nửa số nợ tăng lên - 3.780 tỷ USD - là dưới thời ông Biden.