Năm nay, Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 5% so với USD, về ngưỡng 7,29 Nhân dân tệ đổi 1 USD, cách không xa mức đáy 7,32 Nhân dân tệ/USD thiết lập vào năm ngoái - mức thấp nhất của Nhân dân tệ trong hơn 15 năm trở lại đây.
Xu hướng giảm giá này của Nhân dân tệ đã buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trong những tuần gần đây. Theo tờ Financial Times, ngay cả khi PBOC có thể ngăn cản được các nhà đầu cơ đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của Nhân dân tệ, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc vực dậy tỷ giá.
Tờ báo này đã điểm lại một số điều cần biết về xu hướng mất giá hiện nay của Nhân dân tệ:
Tại sao Nhân dân tệ đương đầu áp lực giảm giá?
Nền kinh tế Trung Quốc đã không đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp chống dịch hà khắc kéo dài gần 3 năm. Chỉ riêng mối lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đủ lớn để khuyến khích đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ. Chưa kể, áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ còn bị khuếch đại bởi nguy cơ vỡ nợ của một loạt doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc, trong đó phải kể tới Country Garden, bên cạnh “núi” nợ khổng lồ với nhiều khoản nợ sắp đáo hạn của các chính quyền địa phương.
Để kích thích nhu cầu, Trung Quốc đã liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Cùng với tốc độ tăng trưởng ì ạch của kinh tế Trung Quốc, việc PBOC cắt giảm lãi suất làm gia tăng khoảng cách về lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Trung Quốc và trái phiếu chính phủ Mỹ. Lãi suất ở Mỹ đang cao nhất 22 năm nhưng vẫn chưa khống chế hoàn toàn được lạm phát hay đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Tất cả những yếu tố này dẫn tới việc dòng vốn rút khỏi thị trường trái phiếu định giá bằng Nhân dân tệ, chảy sang thị trường trái phiếu định giá bằng USD.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng giảm bớt việc chuyển đổi lợi nhuận bằng đồng USD sang đồng Nhân dân tệ - một sự điều chỉnh mà các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng “có thể là hành vi tìm kiếm lợi tức” do các chứng khoán định giá bằng USD mang lại lợi nhuận cao hơn so với tài sản định giá bằng Nhân dân tệ.
Nền kinh tế và tỷ giá đồng nội tệ cùng lúc suy yếu đã đặt PBOC vào thế khó. “PBOC có vẻ đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì họ cần giảm thêm lãi suất để kích thích nhu cầu, nhưng nếu làm vậy thì đồng tiền càng giảm giá”, nhà kinh tế trưởng Mansoor Mohi-uddin của Bank of Singapore nhận định.
Vì sao Trung Quốc lo lắng về sự tháo chạy của dòng vốn?
Đồng Nhân dân tệ mất giá là một nhân tố có lợi cho xuất khẩu của nước này vì giúp cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc lo ngại việc đồng tiền giảm giá quá nhanh và quá sâu.
“Từ góc độ của ngân hàng trung ương, mối lo thực sự về đồng tiền yếu là sự tháo chạy của vốn”, chiến lược gia trưởng về ngoại hối và lãi suất của Bank of America, ông Adarsh Sinha, phát biểu.
Rủi ro này đã được minh họa rõ nét vào năm 2015, khi động thái phá giá một lần đồng Nhân dân tệ của PBOC dẫn tới một dòng vốn rút mạnh khỏi Trung Quốc, buộc PBOC phải bơm hàng trăm tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Sau đó, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo hơn để hạn chế dòng vốn chảy đi. Ngoài ra, nước này cũng chuyển trọng tâm sang quản lý biến động tỷ giá theo cả hai hướng tăng và giảm, thay vì bảo vệ một mức tỷ giá tuyệt đối. Phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả trong những đợt mất giá gần đây của Nhân dân tệ, bao gồm trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung 2019 và trong thời kỳ Trung Quốc phong tỏa chống Covid.
Trung Quốc đang ứng phó thế nào với sự mất giá của Nhân dân tệ?
Giới phân tích nói rằng vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là không còn nhiều dư địa để hành động. “PBOC đang sử dụng hầu hết các công cụ mà họ có để duy trì ổn định tỷ giá Nhân dân tệ”, chiến lược gia trưởng về ngoại hối châu Á của Mizuho Bank, ông Ken Cheung, nói với Financial Times.
“Vũ khí” mạnh nhất của PBOC trong việc quản lý tỷ giá là biên độ (trading band) đối với tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục. Buổi sáng hàng ngày, trước khi thị trường ngoại hối trong nước mở cửa, PBOC thiết lập một tỷ giá tham chiếu mà từ mốc đó, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD trên thị trường được dao động trong biên độ +/-2%. Mức tỷ giá tham chiếu này được thiết lập và điều chỉnh sao cho phản ánh kỳ vọng của thị trường và các biến động vào đêm hôm trước của tỷ giá Nhân dân tệ ở thị trường ngoài đại lục.
Nhưng trong 1 tháng trở lại đây, tỷ giá chính thức thường xuyên ở mức cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường, có lúc cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với những gì thị trường kỳ vọng - một chênh lệch lớn kỷ lục, dấu hiệu cảnh báo rõ rệt đối với các nhà đầu cơ đang bán khống Nhân dân tệ.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc đang hỗ trợ PBOC trong việc đưa ra lời cảnh báo này, bằng cách hút Nhân dân tệ và bán USD trên thị trường đại lục. Họ cũng hành động tương tự trên thị trường ngoài đại lục để đảm bảo rằng tỷ giá ở đó không biến động quá xa so với mức đóng cửa ở thị trường đại lục.
Trong một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo ngại với tốc độ mất giá của Nhân dân tệ, các ngân hàng quốc doanh của nước này đang siết chặt thanh khoản đối với các hợp đồng Nhân dân tệ kỳ hạn ở thị trường ngoài đại lục, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Các ngân hàng này bán USD và mua Nhân dân tệ ở thị trường giao ngay ngoài đại lục, đồng thời mua USD và bán Nhân dân tệ trên thị trường kỳ hạn ngắn. Chiến thuật này khiến cho các nhà giao dịch tiền tệ ở Hồng Kông, London và New York khó bán khống Nhân dân tệ hơn.
Có một biện pháp mà nhà chức trách Trung Quốc chưa triển khai lại là áp hạn chế không chính thức đối với giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng của nước này. Các biện pháp đó đã được dỡ vào tháng 9 năm ngoái trong bối cảnh dòng vốn ngày càng chảy mạnh khỏi trái phiếu Nhân dân tệ, chủ yếu do giới đầu tư toàn cầu bán nợ chính phủ Trung Quốc để mua trái phiếu kho bạc Mỹ có lợi tức cao hơn.
Tỷ giá Nhân dân tệ có thể giảm tới đâu?
Giới phân tích đang hạ dự báo tỷ giá Nhân dân tệ so với USD. Goldman Sachs mới đây giảm dự báo tỷ giá Nhân dân tệ 3 tháng tới còn 7,3 Nhân dân tệ đổi 1 USD, từ mức 7,2 Nhân dân tệ đổi 1 USD trước đó. Dự báo mới của Goldman Sachs là mức tỷ giá đã có thời điểm xuất hiện trong tháng 8 này.
Ngân hàng Societe Generale tỏ ra bi quan hơn, điều chỉnh dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay từ 7,4 Nhân dân tệ/USD còn 7,6 Nhân dân tệ/USD. Mức dự báo này đồng nghĩa Nhân dân tệ giảm giá hơn 10% trong năm nay, mức giảm giá hàng năm mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc từ bỏ việc neo tỷ giá vào USD vào năm 2005.
“Họ không thể ngắt kết nối giữa tỷ giá chính thức với các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Trong trung hạn, họ sẽ phải để cho tỷ giá chính thức giảm về sát với mức tỷ giá trên thị trường”, chiến lược gia trưởng Kiyong Seong của Societe Generale nhận định.