Qua trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, GRDP tăng 20,7%, ở vị trí đứng đầu cả nước sau 2 năm tăng trưởng âm, do tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19.
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt 84.050 tỷ đồng, tăng 52,4% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 22,9%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 54,1%. Thu ngân sách nhà nước của Khánh Hòa ước đạt 16.016 tỷ đồng, vượt 33,3% dự toán và tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Khánh Hòa đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Cụ thể, thu - chi ngân sách gặp nhiều khó khăn; hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp không được thuận lợi; triển vọng tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tháng cuối của năm 2022 và dự kiến năm 2023 sẽ rất khó khăn.
Trong năm 2023, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khánh Hòa nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Ngoài ra, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch quan trọng của tỉnh (gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm).
Tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản trị công và cải cách hành chính bằng những giải pháp cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững. Trong đó, nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, cũng như quy định về trình tự thủ tục đầu tư ngoài ngân sách.