Hé lộ tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh quý 1 vẫn khả quan và đi đúng dự kiến. Trong năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 5.000 tỷ, SHB muốn vượt 10.000 tỷ và ACB dự kiến vượt 20.000 tỷ.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, bà Ngô Thu Hà cho biết, trong quý 1, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước tính đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2022. Huy động vốn tăng trưởng trên 8%. Bà Hà cũng cho biết, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 7,9% và đến giờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 6%.
Trước đó, lợi nhuận năm 2022 của SHB đạt gần 10.000 tỷ đồng và ngân hàng dự kiến sẽ vượt mốc này trong năm 2023. Sau quý 1, SHB đã đạt được khoảng 35% kế hoạch cả năm.
Cụ thể, kế hoạch kinh doanh của SHB năm nay được dựa theo 2 kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 8,93% đạt 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% đạt 456.180 tỷ đồng.
Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, lên 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 10,09% đạt 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.
Tương tự tại ACB, lãnh đạo ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh quý 1 khá tích cực dù bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám Đốc ACB cho biết lợi nhuận quý 1 hợp nhất của ngân hàng đạt 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước. Tỷ lệ LDR ở mức 78%; tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 13,1%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Tăng trưởng tín dụng của ACB trong quý 1 giảm nhẹ 0,6%. "Chúng tôi lường trước những khó khăn của nền kinh tế. ACB là ngân hàng bán lẻ nên cũng bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã khôi phục từ tháng 3", ông Từ Tiến Phát nói.
Lãnh đạo ACB cũng tự tin về việc sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Nhà băng này dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm sẽ đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 668.788 tỷ, tăng 10%; Tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 495.836 tỷ, tăng 9,7%; Dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ, tăng 9,7%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Ngày 14/4, Eximbank cũng đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. Tổng tài sản ngân hàng dựkiến đạt ngưỡng 210.000 tỷ, tăng 13,5%; Dư nợ tín dụng ở mức 146.600 tỷ, tăng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,6%.
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank cho hay, kế hoạch kinh doanh năm nay được tính toán rất kỹ và có tính đến bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Ngân hàng có những phương án để đạt được mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ. Kết quả kinh doanh quý 1 vẫn đang theo lộ trình này, với mức lãi khoảng 900 tỷ.
Trong tuần tới (17-23/4), thêm nhiều ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông như VPBank, MSB, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, LienVietPostBank. Cùng với giai đoạn công bố báo cáo tài chính, dự kiến kết quả kinh doanh quý 1/2023 của nhiều nhà băng sẽ được lộ diện.