Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực trong quý III với số liệu GDP tăng 13,67% so với cùng kỳ, mức cao đột biến trên nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch. Mức tăng trưởng GDP lũy kế từ đầu năm theo đó đạt đến 8,8%.
Bức tranh kinh tế cũng đang dần phản ánh vào kết quả kinh doanh cụ thể ở nhiều doanh nghiệp, một số ước tính ban đầu cho thấy lợi nhuận vẫn khả quan nhưng cũng có nhiều suy giảm.
Dầu khí tích cực
Hai doanh nghiệp lớn của ngành dầu khí Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đều ghi nhận kết quả tốt trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng đột biến kể từ đầu năm trước khi có sự hạ nhiệt thời gian qua.
PV Gas mới đây ước tính doanh thu đạt khoảng 76.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng gần 62% lên khoảng 14.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp dầu khí vẫn có lợi nhuận tích cực nhờ giá dầu cao. Ảnh: PV Gas.
Nếu trừ đi kết quả bán niên đã công bố, công ty đầu ngành khí tại Việt Nam ước đạt 22.160 tỷ doanh thu trong quý III, tăng trưởng 20%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế quanh 3.218 tỷ đồng, tăng 4% so với mức nền thấp cùng kỳ.
Cho cả năm 2022, ban lãnh đạo doanh nghiệp ước tính doanh thu đạt 100.000 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế khoảng 15.500 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với năm liền trước. Đây sẽ là doanh thu kỷ lục trong lịch sử và lợi nhuận lớn nhất kể từ 2015.
Theo báo cáo của BSR, nhà máy lọc dầu này ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 125.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 88% so với cùng kỳ và vượt 36% kế hoạch năm.
Tính riêng trong quý III, công ty thu về khoảng 37.826 tỷ đồng, gấp 2,14 lần kết quả cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo doanh nghiệp trước đó chia sẻ kết quả tốt nhờ giá dầu và crack margin (chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô) cao.
Tổng giám đốc BSR nhận định crack margin cao bất thường do tác động của đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine. Vị này nhận định lợi nhuận quý IV có thể giảm nhẹ khi giá dầu điều chỉnh nhưng kết quả cả năm vẫn phá kỷ lục.
Phân bón, lương thực sống tốt
Công ty phân bón Đạm Phú Mỹ mới ước tính doanh thu 9 tháng đầu năm đạt gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 96% so với thực hiện năm trước.
Như vậy, tính riêng quý III, doanh thu công ty là 4.065 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.144 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ. Tuy nhiên mức lợi nhuận vẫn thấp hơn 2 quý đầu năm chủ yếu do yếu mùa vụ thấp điểm trong quý III.
Công ty cho biết đã nắm bắt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước. Lượng xuất khẩu từ đầu năm đạt khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm.
Các công ty nông nghiệp, phân bón, gỗ, cảng biển... tiếp tục có kết quả thuận lợi. Ảnh: PAN Group.
Tập đoàn PAN thông báo doanh thu thuần quý III ước đạt 3.643 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt tăng 192% lên mức 140 tỷ đồng. Biên lợi nhuận nhích từ 14% lên 18%.
Như vậy, sau 9 tháng, tập đoàn nông nghiệp này có lãi cao hơn 132% so với cùng kỳ đạt 537 tỷ đồng. Kết quả này tương đương với 71% tiến độ lợi nhuận cho cả năm.
Lãnh đạo PAN Group cho biết tỷ lệ hoàn thành này so với các năm trước tương đối cao, các năm trước thông thường chỉ hoàn thành 55-65% kế hoạch đề ra cả năm vì quý IV là cao điểm mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng.
Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng mới công bố kết quả tốt trong kỳ này. Doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ đạt hơn 1.150 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 372 tỷ đồng, gấp 17 lần con số quý III/2021.
Công ty bầu Đức còn dự kiến kết quả tiếp tục thuận lợi trong quý cuối năm nhờ giá chuỗi có thể tăng trở lại và sản lượng heo xuất bán nhiều hơn so với các quý trước, giúp tập đoàn "chắc chắn" vượt kế hoạch.
Gỗ An Cường dự kiến đạt 3.075 tỷ đồng doanh thu và 434 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm. Các con số này tương đương 72% tiến độ doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trừ kết quả nửa đầu năm, công ty cung cấp ván gỗ này đạt doanh thu gần 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 155 tỷ đồng trong quý III, tăng mạnh lần lượt 2,3 lần và 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Hay ông lớn cảng biển Gemadept dù chưa công bố con số cụ thể nhưng Giám đốc Tài chính cho biết kết quả 9 tháng khả quan, dù có những lo ngại sẽ sụt giảm trong quý IV. Lãnh đạo doanh nghiệp tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.200 tỷ đồng.
Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico cũng công bố doanh thu quý III tích cực gấp hơn 5,6 lần cùng kỳ đạt gần 105 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ lớn.
Thép, xuất khẩu tiêu cực
Tuy nhiên bức tranh kinh doanh cũng đã bắt đầu xuất hiện những mảng "xám", một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn khi thị trường kinh doanh không thuận lợi.
Tập đoàn Hòa Phát mới thông báo sản lượng bán hàng đạt 555.000 tấn trong tháng 9. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ. Thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.
Hòa Phát lý giải nhu cầu thị trường chung thấp trong tháng 9, kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Như vậy, tính chung quý III, công ty đầu ngành thép xuất bán tổng cộng 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái (2,03 triệu tấn).
Công ty sản xuất đá ốp lát Vicostone ước tính doanh thu kỳ này giảm đến 41% về mức 1.093 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 59% còn khoảng 200 tỷ đồng. Đây là mức lãi theo quý thấp nhất kể từ 2017 đến nay.
Doanh thu Vicostone chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu nên chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhất là lạm phát làm suy giảm sức mua và lãi suất cao. Công ty còn gặp áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ, đá tự nhiên, gốm sứ...
Doanh nghiệp còn nhìn nhận sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái, hoạt động xuất khẩu không chỉ gây tác động xấu trong năm 2022 mà còn ảnh hưởng đến triển vọng 2023.
Doanh nghiệp nhà nước lớn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) cho biết các chỉ tiêu kinh doanh 9 tháng đầu năm gần như đi ngang so với cùng kỳ, trong đó doanh thu nhích nhẹ
Lãnh đạo tập đoàn cho biết xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các yếu tố thời tiết cực đoan, sản xuất đầu vào tắc nghẽn... gây khó khăn cho 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm cả bán mủ cao su.