Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 9245/BGTVT – QLXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).
Năm tiêu chí lựa chọn nhà thầu
Thông tin về tiến độ triển khai dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đang tập trung chỉ đạo các Ban quản lý dự án và phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các công việc như: di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; rà phá bom mìn, vật nổ; rà soát, khảo sát nguồn vật liệu; khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, xây dựng tiêu chí, hồ sơ yêu cầu… làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp, đảm bảo khởi công dự án trước ngày 31/12/2022.
"Khối lượng công việc còn lại là rất lớn, thời gian không còn nhiều, quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Đánh giá thực tiễn việc triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai của ngành, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ thông qua 5 tiêu chí đánh giá kinh nghiệm, năng lực để chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp tại dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, thứ nhất, thời gian hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông tối thiểu là 5 năm. Nhà thầu cần có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét, tương ứng với cấp công trình cầu, hầm…
Thứ hai, năng lực tài chính như doanh thu bình quân hàng năm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần đây, nhà thầu đáp ứng yêu cầu về giá trị tài sản ròng dương trong năm gần nhất, xác nhận cơ quan thuế không nợ động tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đến kỳ kê khai gần nhất...
Thứ ba, phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét...
Thứ tư, yêu cầu về nhân sự chủ chốt và các nhân sự khác như số lượng, số năm kinh nghiệm, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề...
Thứ năm, yêu cầu về máy móc, thiết bị chủ yếu, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.
“Trường hợp liên danh để tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh (theo các tiêu chí nêu trên)”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Mỗi gói thầu dự kiến từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng
Căn cứ theo bộ tiêu chí nói trên, trong 10 năm qua có khoảng 48 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có tính chất kỹ thuật tương tự và có giá trị hợp đồng ≥ 350 tỷ đồng.
Trong đó có 18 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 350 - 500 tỷ đồng, 16 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 500 - 1.000 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; và 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
"Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn đã tham gia đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, công nghiệp lớn với tư cách là nhà đầu tư, không phải là nhà thầu thi công xây dựng công trình giao thông. Các doanh nghiệp này khi tham gia thực hiện dự án với tư cách nhà thầu thi công phải đáp ứng kinh nghiệm theo quy định pháp luật về xây dựng và đấu thầu nêu trên", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Để đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40km/01 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu. Số lượng nhà thầu liên danh khoảng 03 nhà thầu/01 gói thầu.
Với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn 01 gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện).
Đồng thời, việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng tư vấn giám sát có giá trị khoảng 20 - 40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu giám sát của Việt Nam hiện nay.
Về quy trình, trình tự thực hiện chỉ định thầu, Bộ Giao thông vận tải cho biết ngoài việc tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu nêu trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức thực hiện theo 2 bước.
Bước 1, căn cứ quy mô gói thầu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo kiến nghị nêu trên; Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng và đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện.
Tìm kiếm đối tác đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí để liên danh đăng ký tham gia gói thầu (gửi đơn đề nghị tham gia cho bên mời thầu).
Trên cơ sở danh sách các nhà thầu đăng ký, bên mời thầu tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; xác định danh sách nhà thầu đủ điều kiện nhận hồ sơ yêu cầu. Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
Bước 2, căn cứ phạm vi gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn lập dự toán. Căn cứ dự toán được phê duyệt đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán, chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu; phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất; tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.