Một cuộc điều tra mới đây của Wall Street Journal chỉ ra dầu thô Nga vẫn chảy sang Mỹ thông qua những lỗ hổng. Dầu Nga - vốn bị cấm xuất khẩu sang Mỹ - có thể được xử lý trong những nhà máy lọc dầu ở bên ngoài Nga và trở thành hàng hóa của quốc gia đó.
Theo cuộc điều tra của Wall Street Journal, Lukoil - công ty dầu khí lớn thứ 2 tại Nga - đã xử lý dầu ở một nhà máy lọc dầu tại Italy, sau đó bán cho các công ty Mỹ như ExxonMobil mà không vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào.
Lỗ hổng lớn
Phần lớn (khoảng 93%) dầu thô đang được xử lý ở nhà máy lọc dầu của Lukoil tại Sicily (Italy) đến từ Nga. Nguyên nhân nằm ở các lệnh trừng phạt của Mỹ và những quốc gia khác đối với dầu Nga.
Kể từ tháng 3, nhà máy lọc dầu này đã bán khoảng 5 triệu thùng sản phẩm từ dầu, bao gồm xăng, dầu hỏa, dầu diesel và dầu nặng, tương đương với lượng xăng đủ để đổ đầy bình 7 triệu chiếc xe.
Điều này đồng nghĩa với việc các tài xế Mỹ vẫn đang gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Vào tháng 2, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay với dầu và khí đốt của Nga. Nhưng Lukoil gần như miễn nhiễm và vẫn đang phân phối các sản phẩm từ dầu đến 11 bang trên khắp nước Mỹ.
Các công ty năng lượng của Mỹ như ExxonMobil vẫn đang mua vào. Nhưng họ không vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào khi nhập hàng từ Italy.
Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu của Lukoil ở Sicily sẽ không được phép nhập khẩu dầu từ Nga sau khi các lệnh trừng phạt của châu Âu có hiệu lực kể từ ngày 5/12. Nhà máy thậm chí có thể phải đóng cửa nếu không tìm được nhà cung cấp dầu thô khác.
Trong tháng này, Crossbridge Energy Partners - một công ty tư nhân Mỹ - đề nghị mua lại nhà máy lọc dầu ở Sicily của Lukoil. Các nguồn tin cho biết công ty dầu khí Nga đã từ chối lời đề nghị.
Thay đổi lớn vào tháng 12
Nhà máy này chiếm tới 20% công suất lọc dầu tại Italy và tạo ra khoảng 1.000 việc làm. Trong những tháng qua, nhà máy đã gặp khó vì các nhà cung cấp và ngân hàng ngần ngại làm việc với doanh nghiệp Nga.
Nhà máy lọc dầu đã yêu cầu một số ngân hàng cho vay vốn 695,59 triệu USD nhưng không thành công. Tuy nhiên, ông Adolfo Urso - Bộ trưởng Công nghiệp Italy - vẫn đang tạo điều kiện cho việc bán lại nhà máy và khuyến khích các bên cho vay hỗ trợ nhằm duy trì hoạt động của nhà máy.
Phong trào tẩy chay Lukoil đã lan rộng tại Mỹ vào đầu năm nay. Nhưng các báo cáo chỉ ra điều này gây tổn hại cho những trạm xăng ở Mỹ hơn doanh nghiệp Nga.
Thương hiệu Lukoil có ở khoảng 230 trạm xăng trên khắp nước Mỹ, hầu hết trong số đó là nhượng quyền thương mại cho các doanh nhân Mỹ. Do đó, cuộc tẩy chay sẽ khiến những doanh nghiệp này tổn hại nhiều hơn chính Lukoil.
"Doanh thu từ bán lẻ xăng dầu chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu của các công ty dầu", ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích Năng lượng Toàn cầu của công ty nghiên cứu IHS Markit - chia sẻ.
Đó là lý do người Mỹ vẫn tiếp tục mua xăng tại các trạm xăng của Lukoil trên khắp đất nước. Hiện công ty vẫn bán những sản phẩm từ dầu cho Mỹ nhờ công suất lọc dầu đáng kể ở Italy.
Nhưng khi các lệnh trừng phạt của châu Âu có hiệu lực vào tháng 12, lỗ hổng này có thể bị chặn. Tuy nhiên, điều này cũng tác động tiêu cực tới năng lực lọc dầu tại Italy và hạn chế nguồn cung dầu cho những khu vực khác trên thế giới.