Theo New York Times, cái chết của 5 hành khách trong chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khiến sự chú ý dồn vào rủi ro trong du lịch mạo hiểm. Nhưng bất chấp nguy hiểm, việc thăm thú Nam Cực, chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới, khám phá các vùng biển đầy cá mập hay bay vào vũ trụ đang ngày càng phổ biến.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Grand View Research, du lịch mạo hiểm dự kiến mang lại doanh thu hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030, tăng từ ước tính 316,6 tỷ USD trong năm 2022.
Theo bà Mikki Hastings - Chủ tịch Hiệp hội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, sự quan tâm ngày càng lớn đối với du lịch mạo hiểm đang kéo theo số vụ tìm kiếm cứu nạn gia tăng. "Dù là trong vũ trụ hay Everest, không ai nên bị bỏ mặc", bà nhấn mạnh.
Nhu cầu vẫn cao
Ông Philippe Brown - người sáng lập công ty du lịch sang trọng Brown and Hudson - cho biết sau vụ nổ tàu Titan, danh sách khách hàng chờ đối với các chuyến tham quan xác tàu Titanic - vẫn còn dài. Những chuyến đi này được công ty của ông hợp tác với OceanGate - công ty điều hành đứng sau tàu Titan.
"Đến nay, vẫn chưa có bất cứ ai hủy vé, và số lượng yêu cầu thậm chí còn tăng lên", ông Brown tiết lộ. Theo ông, các du khách tin rằng sau vụ việc, công nghệ sẽ được cải thiện và những quy định có thể trở nên chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch mạo hiểm muốn giảm thiểu rủi ro và chi phí tiềm ẩn đối với các trường hợp khẩn cấp. Một số cung cấp những biện pháp cứu hộ và sơ tán y tế tại các khu vực hẻo lánh.
Nhiều công ty còn đang xây dựng các hợp đồng bảo hiểm mới, dành riêng cho những hạng mục như du hành vào vũ trụ.
Bảo hiểm du lịch truyền thống sẽ trả phí cho các trường hợp khẩn cấp theo hợp đồng, nhưng thường không cung cấp những dịch vụ như cứu hộ hay sơ tán y tế. Hồi năm 2004, ông Dan Richards - Giám đốc điều hành của Global Rescue - đã tìm cách lấp lỗ hổng thị trường.
Ông thành lập một công ty chuyên hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp khi du lịch. Với khoản phí 360 USD mỗi năm, mỗi thành viên sẽ nhận được dịch vụ sơ tán.
Lấp đầy lỗ hổng
Các phiên bản nâng cấp sẽ đưa khách hàng khỏi những nơi nguy hiểm như vùng chiến sự, có thể tiêu tốn khoảng 1.800 USD/năm. Theo đó, những cựu chiến binh từng hoạt động trong quân đội là người trực tiếp tham gia cứu hộ.
Tương tự, Medjet - một dịch vụ sơ tán y tế khẩn cấp - cũng bán thẻ thành viên theo năm. Một số công ty khác cung cấp dịch vụ này là AirMed International và SkyMed.
Theo ước tính từ UBS, với những chiếc vé bay vào không gian từ các công ty như Blue Origin và Virgin Galactic, thị trường du lịch vũ trụ dự kiến tăng lên khoảng 3 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm du hành vũ trụ vẫn còn khá nhỏ. Lloyd's of London - công ty bảo hiểm dành cho các doanh nghiệp vũ trụ - đã bắt đầu bảo lãnh bảo hiểm du hành vũ trụ vào năm 2021.
Năm ngoái, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Bảo hiểm Mitsui Sumitomo cho biết sẽ cùng phát triển các dịch vụ bảo hiểm vũ trụ.
Trong các trường hợp khẩn cấp, chi phí giải cứu sẽ được trả bằng tiền thuế. Bà Hastings cho biết chi phí tìm kiếm và cứu nạn thường thuộc về chính quyền bang và địa phương.
Trong vụ nổ tàu lặn Titan vừa qua, một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đã được USCG dẫn đầu với sự hỗ trợ của chính quyền Pháp và Canada. Các quan chức Mỹ không tiết lộ về chi phí của nỗ lực kéo dài 5 ngày, nhưng giới chuyên gia ước tính con số có thể lên tới hàng triệu USD.
Vụ việc thổi bùng tranh cãi giữa các học giả và những nhà thám hiểm, vốn đã âm ỉ trong nhiều thập kỷ qua. Họ tranh luận về việc liệu có nên thực hiện các nỗ lực giải cứu tốn kém đối với những du khách ngoan cố hay không.
Năm ngoái, giới chức Hawaii và Utah đã công bố luật mới nhằm phân bổ quỹ liên bang cho các hoạt động tìm kiếm và giải cứu. Bởi những chi phí này sẽ đè nặng lên những khu vực thưa thớt dân cư. Nhưng dự luật này không nhận được nhiều sự quan tâm.
"Chúng tôi cũng không khuyến khích việc tính phí tìm kiếm cứu nạn. Bởi chúng tôi muốn mọi người nhận được sự hỗ trợ dù nghèo hay giàu", bà Hastings nhận định.