"Làn sóng" mua lại trái phiếu trước hạn
Trong thông báo phát đi mới đây của Bộ Tài chính về hoạt động của thị trường trái phiếu cho biết, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều công ty bất động sản ghi danh trong loạt doanh nghiệp triển khai mua lại trái phiếu trước hạn.
Cụ thể, ngày 14/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn 300 tỷ đồng. Theo đó, lô trái phiếu được huy động vào cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng đã được mua lại 240,5 tỷ đồng còn lại 59,5 tỷ đồng. Trước đó, ngày 1/11, An Gia cũng đã mua lại 456 tỷ đồng của lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm được phát hành vào 9/2021.
Một cái tên đáng chú ý khác tích cực mua lại trái phiếu trong tháng 11 là Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom. Công ty này có các đợt mua lại trái phiếu trước hạn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 11, Địa ốc Sacom đã 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn của lô SLDCH2123001 với tổng giá trị 27,7 tỷ đồng. Công ty này bắt đầu thực hiện mua lại lô trái phiếu SLDCH2123001 với tổng giá trị 237,5 tỷ đồng từ ngày 15/9. Đến nay, Địa ốc Sacom đã thực hiện 24 lần mua lại với tổng giá trị mua lại 124,3 tỷ đồng và giá trị trái phiếu còn lại 113,2 tỷ đồng.
Trong tháng 11, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ) cũng thực hiện 12 lần mua lại trái phiếu trước hạn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Do đó, tổng giá trị trái phiếu mua lại đạt 3,564 tỷ đồng. Còn trong tháng 10, IDJ đã thực hiện 19 lần mua lại với tổng giá trị 55 tỷ đồng trái phiếu.
Ngoài ra, hàng loạt công ty đã có kết quả mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị lớn như Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng mua lại trái phiếu trước hạn hơn 80 tỷ đồng trong lô trái phiếu có giá trị phát hành 250 tỷ đồng với kỳ hạn 52 tháng, đáo hạn năm 2024.
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH mua lại 100 tỷ đồng trái phiếu trong lô trái phiếu 1.000 tỷ phát hành cuối năm 2020 với kỳ hạn 5 năm.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk, một thành viên của Tập đoàn Capital House của doanh nhân Đỗ Đức Đạt cũng mua lại hơn 66 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô trái phiếu 600 tỷ đồng theo giá trị phát hành vào 2020, kỳ đáo hạn 2023.
Một cái tên đáng chú ý khác là CTCP Bất động sản Vinaconex đã mua lại trái phiếu trước hạn 550 tỷ đồng của lô trái phiếu có giá trị phát hành 700 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 12/2022 vào ngày 31/10/2022. Trước đó, hồi tháng 8, Vinaconex đã mua 100 tỷ đồng trái phiếu của lô này nên giá trị trái phiếu còn lại sau khi mua là 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG) cũng vừa công bố thông tin sẽ mua lại lô trái phiếu DIGH2124002 và DIGH2124003. DIC Corp sẽ thông báo và thỏa thuận trực tiếp với người sở hữu trái phiếu để mua lại. Theo đó, khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 16.000 trái phiếu tương đương với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng.
Thận trọng phân tích, không nghe tin đồn thất thiệt
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý như sau:
Đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
"Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư TPDN, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", Bộ Tài chính thông tin.