Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu, việc cho thuê đất quá hạn mức: Trong việc phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, Bộ Công Thương đã phê duyệt diện tích sử dụng đất đối với một số dự án tăng sai so với định mức quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương với tổng diện tích 14,56 ha, gồm: Nhà máy điện mặt trời TTC - Đức Huệ 1 tăng sai 9,76 ha (Văn bản số 2219/ĐL-NLTT ngày 02/12/2018); Nhà máy điện mặt trời BCG - Băng Dương tăng sai 0,6 ha (Văn bản số 239/ĐL-NLTT ngày 18/02/2019); Nhà máy điện mặt trời GAIA tăng sai 4,2 ha (Văn bản số 868/ĐL-NLTT ngày 28/5/2019).
Trong việc cho thuê đất, UBND tỉnh Long An đã cho các chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời vượt hạn mức quy định với tổng diện tích 11,05 ha, gồm: cho Công ty cổ phần điện TTC - Đức Huệ Long An thuê vượt 9,76 ha, cho Công ty cổ phần Năng lượng BCG - Băng Dương thuê vượt 1,29 ha, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương.
Việc khởi công dự án khi chưa được thuê đất: Các doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần năng lượng Hanwha - BCG Băng Dương - Nhà máy điện mặt trời GAIA khởi công xây dựng trên diện tích 124,8 ha đất rừng sản xuất; Công ty TNHH Hoàn cầu Long An - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 01 khởi công xây dựng trên diện tích 52,53 ha đất rừng sản xuất; Công ty cổ phần VIETNAMSOLAR - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 02 khởi công xây dựng trên diện tích 50,3 ha đất; Công ty cổ phần Long An Solar Park - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 03 khởi công xây dựng trên diện tích 48,3 ha đất; Công ty cổ phần Solar Energy LA - Nhà máy điện mặt trời Solar Park 04 khởi công xây dựng trên diện tích 49,5 ha; Công ty cổ phần điện mặt trời Europlast Long An - Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An khởi công xây dựng trên diện tích 58,66 ha, việc các chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án khi chưa được UBND tỉnh Long An cho thuê đất là vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.
Công ty cổ phần năng lượng Hanwha - BCG Băng Dương - Nhà máy điện mặt trời GAIA khởi công xây dựng trên diện tích 124,8 ha đất rừng sản xuất.
Thanh tra Chính Phủ kết luận: Những khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng nêu trên, trách nhiệm quản lý thuộc về UBND tỉnh Long An; UBND huyện Đức Huệ, UBND các xã: Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Bắc; UBND huyện Thạnh Hóa, UBND xã Thạnh An theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013.
04/08 dự án vi phạm điều kiện khởi công xây dựng
Thanh tra Chính phủ kết luận, tại tỉnh Long An, 04/08 dự án điện mặt trời các chủ đầu tư đã vi phạm về điều kiện khởi công xây dựng công trình như: khởi công dự án khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao là vi phạm Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014.
Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án (từ ngày khởi công đến ngày vận hành thương mại), hầu hết các chủ đầu tư dự án đã khắc phục các vi phạm này, tuy nhiên, có ảnh hưởng đến tiến độ thi công để đạt ngày vận hành thương mại trước các mốc thời gian ngày 01/7/2019, ngày 01/01/2021 để được hưởng cơ chế khuyến khích giá điện cố định trong 20 năm.
Chưa được nghiệm thu đã đưa vào vận hành thương mại
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, qua kiểm tra 08 dự án điện mặt trời cho thấy, 08 dự án đã được (Chủ đầu tư, Công ty Mua bán điện thuộc EVN...) đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thầm quyền (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công Thương) kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 32, khoản 4 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng.
Đối với Nhà máy điện mặt trời GAIA do Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha - BCG Băng Dương là chủ đầu tư, đến ngày vận hành thương mại (17/9/2020) và đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022) vẫn chưa có Biên bản chấp thuận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Việc Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại và mua điện của 08 Nhà máy điện mặt trời nêu trên với giá cố định trong 20 năm (04 Nhà máy được bán điện với giá FIT1 là 9,35 UScent/kWh; 04 Nhà máy được bán điện với giá FIT 2 là 7,09 UScent/kWh) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện để đưa vào sử dụng và sẵn sàng bán điện) là vi phạm khoản 3 Điều 3 Thông tư số 16/2017/TT- BCT ngày 12/9/2017, điểm d khoản 1 Điều 51 Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương.
Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại đối với 08/08 nhà máy điện mặt trời và mua điện của các nhà máy có vi phạm quy định về pháp luật về nghiệm thu công trình nhưng được hưởng giá bán điện cố định trong 20 năm và được ưu tiên mua hết sản lượng điện từ các nhà máy điện là vi phạm điểm a khoản 1 Điều 14; khoản 2 Điều 7 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017; khoản 2 Điều 6 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên nên việc mua bán điện theo giá cố định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chưa đủ cơ sở pháp luật.
Nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo ra Văn bản số 1069/ĐL-NLTT ngày 26/6/2019 thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (trước ngày 30/6/2019 là thời điểm Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực áp dụng).
Vì vậy, 07/08 nhà máy đã được đưa vào vận hành thương mại khi chưa được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công Thương kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo các quy định pháp luật nêu trên cần phải được rà soát, xem xét việc hưởng cơ chế khuyến khích.