Theo một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal, trong số 23 định chế tài chính có giao dịch trực tiếp với Fed, hơn 2/3 tin rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Hai định chế khác dự báo suy thoái sẽ xuất hiện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024.
Được biết đến với tư cách các nhà giao dịch sơ cấp (primary dealers), các công ty tài chính và ngân hàng đầu tư nói trên bao gồm những cái tên như Barclays, Bank of America, TD Securities, UBS Group… Họ đã chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: người Mỹ đang rút những khoản tiết kiệm mà họ tích luỹ được trong thời gian đại dịch để tiêu; thị trường bất động sản đang đi xuống; và các ngân hàng đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ sụt giảm trong năm 2023, dẫn đầu là suy thoái ở cả Mỹ và khu vực Eurozone”, các chuyên gia kinh tế của BNP Paribas viết trong báo cáo của ngân hàng Pháp này về triển vọng năm 2023 - bản báo cáo mang tựa đề “Rơi vào suy thoái”.
Theo PNB Paribas, “thủ phạm” chính dẫn tới suy thoái chính là chính sách tiền tệ của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đã liên tục tăng lãi suất từ tháng 3 năm ngoái, trong nỗ lực “ghìm cương” nền kinh tế và chống lạm phát. Gần đây, lạm phát ở Mỹ đã dịu đi, nhưng vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mà Fed mong muốn.
Trong năm 2022, Fed đã có 7 lần nâng lãi suất, đưa lãi suất chính sách từ ngưỡng 0-0,25% lên 4,25-4,5%, cao nhất trong 15 năm. Hồi tháng 12 vừa qua, giới chức Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất, lên khoảng 5-5,5% trong năm 2023.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế được Wall Street Journal khảo sát dự báo rằng lãi suất tăng sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ mức 3,7% trong tháng 11 lên mức hơn 5%. Mức thất nghiệp như vậy vẫn thấp so với lịch sử, nhưng sự gia tăng đó đồng nghĩa với hàng triệu người Mỹ sẽ mất việc làm.
Đa số các chuyên gia kinh tế được tờ báo này khảo sát cũng tin rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. Nền kinh tế đã trụ vững khá tốt qua những đợt tăng lãi suất của năm 2022, mà một biểu hiện rõ nét là tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế nói rằng hiệu ứng gây suy giảm tăng trưởng của lãi suất tăng sẽ ngấm sâu hơn trong năm 2023. Dù còn thấp so với ngưỡng lịch sử, lãi suất ở Mỹ hiện nay đang cao nhất kể từ năm 2008 - thời điểm ngay trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cũng cần phải nói thêm rằng hầu hết giới kinh tế học và nhà đầu tư ở Phố Wall, cũng như các nhà hoạch định chính sách ở Washington DC, đã dự báo sai về năm 2022 - từ việc Fed khăng khăng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời, cho tới việc các chuyên gia dự báo hàng đầu tin 2022 sẽ là một năm tăng trưởng nhẹ cho cả cổ phiếu và trái phiếu. Chính mức độ dự báo sai về năm 2022 của các nhà đầu tư, phân tích và kinh tế học đang khiến nhiều người nhìn về năm 2023 với một tâm trạng bấp bênh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý tài sản đã đề cập tới một số chỉ báo thường là “điềm” của suy thoái kinh tế: các ngân hàng thắt chặt cho vay, và nhu cầu suy yếu tới mức gần như trong các cuộc suy thoái kinh tế. Loạt chỉ số kinh tế dẫn dắt (leading economic indicators) của tổ chức Conference Board đã giảm liên tiếp 9 tháng, xuống mức thường báo trước các cuộc suy thoái trong lịch sử. Các chỉ số đo hoạt động kinh doanh nói chung và các thước đo của ngành dịch vụ và sản xuất cũng giảm xuống thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra trong năm 2020.
Ngoài ra, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn, gồm kỳ hạn 3 tháng và 2 năm, đang có mức lợi suất cao hơn so với trái phiếu các kỳ hạn 10, 20 và 30 năm. Hiện tượng này được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, một dấu hiệu cảnh báo luôn xuất hiện trước mỗi cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay.
Số tiền tiết kiệm gia tăng mà người Mỹ tích luỹ được ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch đã giảm còn 1,2 nghìn tỷ USD từ mức khoảng 2,3 nghìn tỷ USD - theo dữ liệu từ Fed. Các nhà phân tích của Deutsche Bank dự báo lượng tiết kiệm gia tăng này đến tháng 10 năm nay sẽ được tiêu hết.
Thậm chí các nhà kinh tế học lạc quan nhất cũng dự báo kinh tế Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức tăng đạt được trong 20 năm qua.
“Nhu cầu tiêu dùng đang chậm lại và chúng tôi cho rằng nhu cầu sẽ giảm mạnh khi lượng tiền tiết kiệm dôi dư bắt đầu cạn kiệt và người tiêu dùng cảm thấy sức ép lớn hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Deutsche Bank, ông Brett Ryan, nhận định. Cũng theo ông Ryan, không riêng gì người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng có thể phải cắt giảm chi tiêu.
Có một tin tốt là phần lớn các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023 tin rằng đây sẽ chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ. Họ kỳ vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục vào cuối năm, chủ yếu nhờ việc Fed chuyển sang cắt giảm lãi suất. Họ dự báo trái phiếu sẽ mang lại mức lợi nhuận lớn trong năm nay và giá cổ phiếu sẽ hoàn tất năm với mức tăng nhẹ.
Phần lớn chuyên gia nhận định Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong quý 1, dừng nâng trong quý 2 và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý 3 hoặc quý 4.
Họ dự báo sự xoay trục của Fed sẽ dẫn tới biến động gia tăng trên thị trường chứng khoán, nhưng thị trường chứng khoán nói chung sẽ mang lại mức lợi nhuận trung bình. Theo dự báo được đưa ra, chỉ số S&P 500 sẽ tăng khoảng 5% trong năm nay. Một số ít dự báo S&P 500 sẽ giảm trong năm nay, bao gồm chuyên gia hai ngân hàng Barclays và Societe Generale.
“Giá cổ phiếu vẫn còn đang rất cao. Thật dễ dàng để kêu gọi rút vốn khỏi cổ phiếu để mua trái phiếu”, Giám đốc điều hành cấp cao Steven Abrahams của Amherst Pierpont nhận định.
Chỉ 5 trong số 23 định chế tài chính được Wall Street Journal khảo sát dự báo kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023, gồm Credit Suisse, Goldman Sachs, HSBC, JPMorgan Chase và Morgan Stanley.
“Một vài chỉ số dẫn dắt đáng tin cậy đang cho thấy dấu hiệu của suy thoái, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, những thước đo này không thể đánh giá chuẩn xác nguy cơ suy thoái trong môi trường hiện nay”, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ Jeremy Schwartz của Credit Suisse viết trong báo cáo của ngân hàng này về triển vọng kinh tế 2023.
Nhưng thậm chí các nhà kinh tế học lạc quan nhất cũng dự báo kinh tế Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức tăng đạt được trong 20 năm qua.
Bình quân trong cuộc khảo sát, các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,5% năm nay. Trong thời gian từ năm 2012 đến 2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng bình quân 2,1% mỗi năm.
Ngay cả Goldman Sachs, ngân hàng có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Mỹ 2023, cũng cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay của nước này chỉ đạt 1%.