Mới đây, Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp thông báo buổi đấu giá du thuyền FLC Albatross của Công ty CP Tập đoàn FLC thất bại do không có cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia.
Ban đầu, mức giá khởi điểm của du thuyền là 35,7 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải cọc trước 3,5 tỷ đồng (tương ứng 10% mức khởi điểm). Mỗi bước giá tối thiểu 100 triệu đồng, đấu trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá.
Tài sản này đã qua sử dụng, được thế chấp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn và đưa ra đấu giá nhằm mục đích xử lý thu hồi nợ.
Đấu giá siêu xe, du thuyền thất bại
Chiếc du thuyền sẽ tiếp tục được rao bán lần 2 với mức khởi điểm giảm xuống 34,6 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá sẽ phải mua hồ sơ và nộp tiền đặt cọc khoảng 3,46 tỷ đồng. Thời gian bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ từ ngày 7-18/11.
"Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua tài sản, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu", công ty đấu giá cho biết.
Chiếc du thuyền mang biển kiểm soát HN-2014, có sức chứa 12 người và được đóng mới ở Ba Lan từ năm 2017.
Du thuyền có chiều dài thiết kế 16,62 m; chiều dài lớn nhất 21,95 m; chiều rộng thiết kế 4,88 m; chiều rộng lớn nhất 5,25 m; chiều cao mạn 3,15 m; chiều chìm 1,15 m (mạn khô 2,000 m; vật liệu vỏ FRP).
Trên thực tế, đây là tài sản đấu giá thứ 2 liên quan đến tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết “ế khách”.
Trước đó, Công ty đấu giá này cho biết buổi đấu giá xe Rolls-royce Ghost mạ vàng của cựu chủ tịch tập đoàn FLC diễn ra không đúng kế hoạch do không có người nộp tiền cọc 2 tỷ đồng sau hạn cuối 21/10.
Chiếc siêu xe mang biển kiểm soát 30F-187.88 có giấy tờ đứng tên Công ty CP Đầu tư Du thuyền và Sân Golf Biscom, nay là FLC Homes.
Tài sản này cũng bị ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn thu giữ nhằm xử lý nợ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros. Trong khi đó, tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 của FLC Faros tại ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn là gần 186 tỷ đồng.
Chiếc xe được sản xuất tại Anh năm 2011. Model Ghost nguyên bản được trang bị động cơ V12 6.6L tăng áp kép công suất 563 mã lực và mô-men xoắn 780 Nm. Động cơ này kết hợp với hộp số ZF tự động 8 cấp, giúp Ghost có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 4,7 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 250 km/h.
Ban đầu, chiếc Rolls-royce Ghost mạ vàng có mức giá khởi điểm 10 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải cọc trước 2 tỷ đồng (20%) và bước giá tối thiểu 50 triệu đồng.
Trên thị trường thứ cấp, phiên bản Rolls-royce Ghost series I sản xuất năm 2011 được rao bán chưa đến 10 tỷ đồng.
Sau khi chào đấu giá thất bại, công ty Minh Pháp tiếp tục thông báo đấu giá lần 2 với giá khởi điểm giảm 300 triệu đồng xuống 9,7 tỷ. Tương tự lần đầu, người tham gia đặt trước 20% giá trị xe (hơn 1,9 tỷ đồng), mỗi bước giá tối thiểu 50 triệu đồng.
Phải thanh lý rẻ một loạt tài sản
Một siêu xe khác thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết cũng nằm trong diện đấu giá để thu hồi nợ là chiếc Rolls-royce Phantom màu đỏ mang biển số 30E-133.88. Chiếc xe có 4 chỗ ngồi, do Công ty TNHH Đầu tư tài chính và Quản lý tài sản RTS đứng tên.
Tài sản đã thế chấp cho ngân hàng OCB chi nhánh Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay của FLC Land. Hiện chiếc xe đang được Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Nam đem đấu giá giai đoạn 1 và sẽ được tổ chức công khai tại Hà Nội ngày 15/11 tới đây.
Chiếc Rolls-royce Phantom có giá khởi điểm 28,02 tỷ đồng chưa bao gồm phụ phí. Người tham gia trả giá phải đặt trước 20%, tức hơn 5,6 tỷ đồng, và đấu bước giá tối thiểu 40 triệu đồng.
Nếu giai đoạn đấu giá không có cá nhân, tổ chức tham gia, tài sản nhiều khả năng được điều chỉnh giá và tiếp tục đem ra đấu giá lần 2.
Đến thời điểm 30/6, FLC đã thanh toán 573 tỷ đồng và không còn dư nợ vay ngắn hạn tại ngân hàng OCB Hà Nội. Khoản vay này từng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội).
Cuối tháng 10, FLC và FLCHomes đã mua lại tòa 265 Cầu Giấy từ ngân hàng OCB và bán cho Công ty CP Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những tài sản chính được FLC dùng để thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ của các công ty thành viên phát sinh tại ngân hàng OCB trước đó.
Dự án văn phòng, căn hộ số 265 Cầu Giấy được FLC khởi công từ năm 2015 với tổng vốn 5.200 tỷ đồng và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Dự án có tổng diện tích các sàn hơn 101.000 m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi.
Theo báo cáo tài chính quý III mới công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FLC giảm 63%, đạt 2.090 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn, lỗ nặng trong các công ty liên doanh liên kết và chi phí hoạt động cao khiến tập đoàn lỗ sau thuế hơn 1.891 tỷ đồng.