Chủ tịch Murata hạ thấp kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường smartphone. Ảnh: Bloomberg.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Chủ tịch tập đoàn sản xuất Murata, Norio Nakajima đã hạ thấp kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường smartphone toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là người dùng tại Trung Quốc chi tiêu dè dặt hơn sau đại dịch.
"Động lực tăng trưởng không quay trở lại trong năm tài chính 2022 và tình hình không mấy khả quan trong giai đoạn kế tiếp. Nhu cầu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng giảm mạnh, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc không ở trạng thái tốt", ông Norio Nakajima nhận định.
Murata có trụ sở tại Kyoto. Đây là một nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp di động, chuyên cung cấp các module và linh kiện điện tử cho iPhone, thiết bị Android của Samsung và các nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Cổ phiếu của Murata giảm hơn 20% trong năm nay do doanh số bán ra của các khách hàng chủ chốt sụt giảm ở mức 2 con số, đặc biệt là các công ty Trung Quốc.
"Người tiêu dùng có thể sẵn sàng mua điện thoại mới ngay cả với những nâng cấp nhỏ nếu nền kinh tế ở trong tình trạng tốt hơn", Nakajima cho biết. Chủ tịch Murata cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất đã có tác động lớn. Ông cũng lo lắng về việc người dùng giữ điện thoại lâu hơn, chu kỳ nâng cấp dài ra.
Theo ước tính của Murata, thị trường thiết bị cầm tay toàn cầu đạt 1,36 tỷ chiếc trong năm tài chính 2021. Năm nay, con số này có thể dưới 1,2 tỷ. Rủi ro lớn nhất là doanh số bán hàng ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc tiếp tục sụt giảm.
Thị trường smartphone đang ở giai đoạn khó khăn. Ảnh: Dailymaverick.
"Các nhà sản xuất Trung Quốc đẩy mạnh bán ra bên ngoài sân nhà của họ, nhưng do nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, người dùng ở nhiều khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ, bắt đầu tránh điện thoại Trung Quốc", Nakajima cho biết thêm.
Chủ tịch Murata chỉ ra một chi tiết đáng chú ý. Trong khi thị trường nói chung suy thoái, nhu cầu đối với điện thoại cao cấp vẫn tiếp tục được duy trì. Song song đó, việc đồng yen yếu cũng giúp tập đoàn này thu được lợi nhuận tốt. 65% lượng linh kiện của Murata được sản xuất ở Nhật Bản, trong khi 90% doanh số bán ra tại nước ngoài.
"Đồng yen yếu mang lại cho chúng tôi cảm giác dễ thở hơn vì nó giúp thu nhập có vẻ khả quan", Nakajima cho biết nhưng không tiết lộ thông tin cụ thể. Trước đó, Murata dự kiến doanh thu của công ty sẽ tăng 74 triệu USD mỗi năm khi đồng tiền của Nhật Bản suy yếu so với các loại tiền tệ mạnh.
Theo Nakajima, chi phí năng lượng gia tăng do xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong dài hạn. Công ty không thể tăng giá cung ứng để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm chiến lược, bao gồm tụ điện gốm, mặt hàng chủ chốt của Murata.