Châu Âu khan hiếm năng lượng khi mùa đông sắp tới gần. Ảnh: Reuters.
Để đối phó với giá năng lượng tăng cao, Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng mức giá trần đối với khí đốt. Tuy nhiên, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối cách làm này vì lo ngại về an ninh nguồn cung.
Phía Moscow đã dừng gần như toàn bộ dòng khí đốt chảy sang Tây Âu qua các đường ống. Trước đây, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU.
Các nhà cung cấp khác như Na Uy đang tăng tốc khai thác khí đốt nhưng đã đạt công suất tối đa. Những nguồn năng lượng mới, chẳng hạn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cần nhiều thời gian để đưa vào sử dụng. Bởi các quốc gia như Đức phải xây dựng bến cảng chuyên dụng cho tàu chở LNG.
Theo ông Andreas Kluth - nhà báo của Bloomberg, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung rất ít co giãn. Do đó, phía cầu quyết định giá tăng hay giảm. Nếu các công ty và hộ gia đình tiết kiệm và sử dụng ít khí đốt hơn, giá sẽ giảm và ngược lại.
Nga đã dừng gần như toàn bộ dòng khí đốt chảy sang Tây Âu qua các đường ống. Ảnh: Reuters.
Kế hoạch áp giá trần khí đốt
Giá phản ánh các thông tin cơ bản trên thị trường, nhưng cũng ảnh hưởng ngược trở lại cung - cầu. Giá tăng cao đã tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, họ sẽ tiết kiệm hoặc chuyển sang những loại nhiên liệu khác.
Do đó, với việc áp dụng giá trần, EU có thể tạo ra một mức giá thấp giả tạo, khiến doanh nghiệp và các hộ gia đình cho rằng việc tiết kiệm hay giảm tiêu thụ không còn cần thiết.
Nhu cầu từ đó tăng trở lại dù nguồn cung không được bổ sung. Đến một lúc nào đó trong mùa đông này, các bể chứa của châu Âu sẽ trống rỗng, khiến châu lục rơi vào tình trạng cạn kiệt khí đốt và bị tước đi khả năng thương lượng.
Dĩ nhiên, các chính phủ sẽ không để kịch bản này xảy ra. Trước khi cạn kiệt khí đốt, họ có thể triển khai kế hoạch phân bổ năng lượng.
Theo đó, mỗi nhà máy có thể được sử dụng một lượng khí đốt nhất định. Một số nhà máy có khả năng phải đóng cửa tạm thời.
Sự ủng hộ từ nhiều quốc gia thành viên EU hơn đồng nghĩa với việc EC sẵn sàng triển khai áp trần giá khí đốt. Ảnh: Reuters.
Đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đưa ra một giải pháp thay thế. Đó là kết hợp áp giá trần và các biện pháp tiết kiệm bắt buộc.
Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 5/10, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phát tín hiệu rằng sự ủng hộ từ nhiều quốc gia thành viên EU hơn đồng nghĩa với việc EC sẵn sàng triển khai áp trần giá khí đốt.
Tuy nhiên, bà von der Leyen cũng nói rằng việc áp trần giá khí đốt cần phải đi kèm với quy định bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt, thay vì mức cắt giảm tự nguyện 15% mà các bộ trưởng EU nhất trí hồi tháng 7.
Nhưng theo nhà báo Andreas Kluth, đây chỉ là một cách nói khác của việc phân bổ năng lượng.
Nếu các chính phủ châu Âu triển khai phân bổ năng lượng từ giờ, giá khí đốt sẽ giảm ngay lập tức. Bởi nguồn cung ít co giãn, phía cầu đang chi phối giá. Vì vậy, việc áp giá trần trở nên thừa thãi.
Giải pháp thay thế
Ông Kluth cũng đề xuất một giải pháp thay thế. Theo ông, điều kiện tiên quyết là loại bỏ hoàn toàn việc áp giá trần. Sau đó, các chính phủ phải trao tiền mặt trực tiếp cho những đối tượng cần chúng nhất.
Những khoản tiền này sẽ không được hoàn trả cho các hóa đơn mua xăng. Bởi điều này cũng đẩy giá nhiên liệu xuống thấp một cách giả tạo. Ông Kluth cho rằng những khoản hỗ trợ này có thể giúp các hộ gia đình dễ tổn thương mua được nhiều thức ăn hơn, dù họ phải giảm sử dụng khí đốt.
Nhà báo của Bloomberg thừa nhận biện pháp trên cũng có những hạn chế. Việc triển khai kế hoạch này sẽ phức tạp hơn áp giá trần đối với khí đốt. Các cơ quan quản lý phải xác định đúng đối tượng cần nhận hỗ trợ.
Cách làm này cũng chia rẽ các thành viên EU bởi năng lực tài khóa khác nhau. Nhiều quốc gia có thể vay với giá rẻ hơn, nhưng một số gặp hạn chế về ngân sách.