Khi chuyên gia thiết kế giao diện Han mất việc tại Bắc Kinh vào tháng 2/2023, vị nữ nhân viên 10 năm kinh nghiệm này bất chợt nhận ra quãng thời gian dài làm việc của mình chẳng có tác dụng gì trên thị trường lao động.
Ban đầu cô Han tưởng rằng kinh nghiệm lâu năm của mình sẽ dễ tìm việc mới, nhưng hàng trăm hồ sơ nộp đi lại chỉ đem về có 4 cuộc phỏng vấn.
Cực chẳng đã, cô Han ở tuổi 34 buộc phải đi làm nhân viên giao hàng bán thời gian để có tiền trang trải chi phí, với mức thu nhập “cao lắm là 20 Nhân dân tệ”, tương đương 2,8 USD/ngày.
Ngoài ra cô Han cũng thử làm hướng dẫn viên mua sắm nhưng cuối cùng cũng phải từ bỏ vì tuổi của cô không còn sức đứng quá lâu.
“Tôi đã thử mọi nghề có thể, nhưng cái thì quá tốn thể lực còn một số khác thì lại trả quá ít. Thật khó để kiếm tiền trang trải cuộc sống hiện nay”, cô Han than thở.
Theo vị nhân viên thiết kế 10 năm kinh nghiệm này, cội nguồn của sự khó khăn đến từ tuổi tác, khiến cô Han trở thành lao động “già nua” trong mắt người tuyển dụng.
Hãng tin CNN nhận định cô Han chỉ là một trong vô số những thế hệ Millenial (sinh trong khoảng 1981-1996) ở Trung Quốc dính phải lời nguyền tuổi 35 khi quá trẻ để nghỉ hưu nhưng lại quá già trong mắt nhà tuyển dụng.
Hết thời
Ban đầu, thuật ngữ “Lời nguyền tuổi 35” (Curse of 35) này lan truyền trên mạng xã hội khi hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn sa thải nhân viên, biến những lao động lành nghề lâu năm thành kẻ thất nghiệp.
Tuy nhiên với đà thất nghiệp trong giới trẻ dần tăng cao thì thuật ngữ này cũng lan rộng theo.
Số liệu mới nhất trước khi chính phủ Trung Quốc dừng công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này đã lên đến 20%, tương đương cứ 5 người thì 1 người không có việc làm.
Chính điều này đã gây nên áp lực cực lớn cho những lao động có tuổi khi thị trường thừa cung thiếu cầu.
Theo CNN, thị trường tuyển dụng hiện nay của Trung Quốc đều có yêu cầu giới hạn dưới 35 tuổi, tức là không công ty nào xem xét nhận người trung niên vào làm.
“Việc phân biệt đối xử với lao động ngoài 35 tuổi luôn tồn tại trên thị trường và đây là một sự phí phạm về nhân lực”, luật sư Jiang Shengnan trả lời hãng thông tấn nhà nước China Youth Daily.
Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã có một số biện pháp đối phó tình hình trên nhưng với hàng triệu lao động Millenial, tình hình đang trở nên ngày càng khó khăn hơn một cách nhanh chóng.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện vẫn đang vật lộn để hồi phục hậu đại dịch khi tăng trưởng giảm tốc. Vô số thách thức trong các ngành bất động sản, công nghệ, giáo dục khiến thị trường lao động ảm đạm.
Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục 6,1% và dù đã dỡ bỏ chiến lược “Zero Covid” nhưng con số này vẫn ở mức cao 5,2%.
Làm sếp hoặc thất nghiệp
Hãng tin CNN nhận định văn hóa làm việc cật lực 9h sáng đến 9h tối, suốt 6 ngày mỗi tuần (996) của ngành công nghệ Trung Quốc đã khiến những lao động Millenial trở thành “đồ cổ”.
Văn hóa lao động khắc nghiệt này khiến những người có tuổi với gia đình cần chăm lo không có đủ thời gian, sức khỏe và tinh thần để theo kịp.
Hậu quả là trên thị trường lao động cạnh tranh cao với lượng lớn người trẻ thất nghiệp, các nhân viên đứng tuổi nếu không lên làm sếp hoặc đóng vai trò then chốt cho doanh nghiệp sẽ dễ bị thay thế và khó xin việc mới.
Mặc dù kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay ưa thích tuyển dụng sinh viên mới ra trường, đào tạo ngắn hạn để làm việc với chi phí rẻ hơn.
Thậm chí báo cáo của Xinhua năm 2021 cho thấy những người được thăng lên chức quản lý ngoài 35 tuổi sẽ kém thành công trong sự nghiệp hơn, dễ bị sa thải và khó xin việc hơn.
Trong khi một số người nhận định việc lên làm sếp ở tuổi ngoài 35 thể hiện khả năng, trình độ và hiệu quả làm việc của nhân viên thì lượng lớn những lao động như cô Han hiện nay lại bị cho ra rìa vì cầu yếu.
Mặc dù cô Han có trình độ, kinh nghiệm là làm việc hiệu quả nhưng chỉ đơn giản là nhu cầu thị trường kém khiến cô không có cơ hội, buộc phải chuyển sang làm trái chuyên ngành.
Tồi tệ hơn, rất nhiều tiến sĩ, giáo sư, chuyên gia hay người có kinh nghiệm lâu năm ở Trung Quốc bị thất nghiệp nhưng ngại tham gia trở lại thị trường việc làm vì không kiếm được công việc ưng ý.
Thậm chí nhiều người vì vấn đề “mặt mũi” mà từ chối các cơ hội việc làm bị cho là không xứng với hình ảnh bản thân.
Mới đây trên mạng xã hội Trung Quốc rộ lên câu chuyện về Tao Chen, một thạc sĩ triết học của trường đại học Sichuan University danh tiếng nhưng bị mất việc trong ngành báo chí.
Sau hàng loạt cố gắng khởi nghiệp thất bại, anh Tao đã trở về làm tài xế giao đồ ăn và thậm chí cuối cùng cũng từ bỏ việc làm này luôn khi chúng không đủ trang trải cuộc sống.
Mặc dù anh Tao có kinh nghiệm làm việc tốt, bằng cấp cao nhưng hơn 98% đơn xin việc của vị thạc sĩ này không được phản hồi chỉ vì “quá già”.
“Tôi gần như bị suy sụp tinh thần”, anh Tao than thở.
Tương tự, chị Han cũng cho biết mình chẳng còn hy vọng mấy về tương lai với lời nguyền tuổi 35 này.
“Ở độ tuổi này, nhiều công ty chẳng muốn thuê bạn nữa vì họ thích lao động trẻ hơn. Trong mắt họ thì kiểu gì tôi cũng phải lập gia đình và giảm hiệu suất”, cô Han nói.
“Các doanh nghiệp rất thực dụng. Khi họ không cần bạn nữa thì họ sẽ thay thế bằng lớp trẻ hơn”, chuyên gia sinh học 35 tuổi Liu đồng quan điểm khi bị sa thải sau khi nghỉ sinh 6 tháng và bị thay thế bởi một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.
*Nguồn: CNN