Vĩnh Hoàn vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 với doanh thu thuần đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 81% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng quý 2/2022, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 4.226 tỷ đồng, là mức doanh thu kỷ lục tính theo quý.
Xét theo cơ cấu, nửa đầu năm 2022 doanh thu chính đến từ thành phẩm đạt 5.459 tỷ đồng, tăng 89%.
Vĩnh Hoàn đang xuất khẩu cá tra fillet, sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Collagen & Gelatin), dầu cá tinh luyện và các sản phẩm phụ khác. Trong đó cá tra fillet là sản phẩm chính chiếm 66% cơ cấu xuất khẩu năm 2021. Bên cạnh đó, công ty này còn có dòng sản phẩm Sa Giang gồm bánh phồng, sản phẩm từ gạo.
Doanh thu từ bán hàng trong 6 tháng đầu năm đạt mức 933 tỷ đồng, tăng 116%. Tuy nhiên đây chỉ là hoạt động thương mại của Vĩnh Hoàn nên biên lợi nhuận của hoạt động bán hàng tương đối mỏng, lãi gộp nửa năm chỉ đạt 16 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ấn tượng từ Vĩnh Hoàn đóng góp đáng kể vào bức tranh tăng trưởng chung của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong giai đoạn đầu năm.
Báo cáo cập nhật ngành thuỷ sản mới đây của SSI Research cho biết, xuất khẩu cá tra của Việt Nam 5 tháng đầu năm đạt 248 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ.
Đặc biệt giá bán sang thị trường Mỹ vào khoảng 4,5 USD - 5 USD/kg, tăng 60% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân cá tra sang thị trường Trung Quốc ở mức 3,1 USD/kg, tăng 20%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn, chiếm 42% tổng doanh thu và 63% doanh thu từ cá tra, theo báo cáo thường niên năm 2021. Doanh nghiệp này hiện chiếm thị phần cao nhất trong toàn ngành xuất khẩu cá tra đi Mỹ.
Sở dĩ các đơn hàng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng bởi nhu cầu đang phục hồi mạnh từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra nhu cầu này cũng được thúc đẩy bởi việc các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất nửa cuối 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam.
Ngoài Mỹ, Vĩnh Hoàn cũng đang theo đuổi chiến lược mở rộng tại Trung Quốc khi cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp vốn có giá cả ít biến động. Doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 6 của Vĩnh Hoàn tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước.
Bên cạnh việc tăng của doanh thu, các khoản chi phí trong kỳ vừa rồi của Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh do các yếu tố đầu vào.
Cụ thể giá cá giống sau khi đạt mức đỉnh vào tháng 4/2022 đã giảm mạnh 40% nhưng xét chung vẫn tăng 20% so với cùng kỳ.
Ngoài ra giá tôm nguyên liệu và cá nguyên liệu dù đã bắt đầu giảm, song vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn thủy sản cao (tăng 15% so với đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm giá vốn hàng bán của Vĩnh Hoàn ghi nhận 5.619 tỷ đồng, tăng 64% so với năm ngoái. trong quý 2, chỉ tiêu này ở mức 3.130 tỷ đồng.
Ngoài chi phí đầu vào tăng cao, các chi phí về bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Vĩnh Hoàn trong nửa đầu năm cũng tăng mạnh từ 20-30%.
Tuy vậy, tốc độ tăng các loại chi phí của Vĩnh Hoàn vẫn thấp hơn tốc độ tăng doanh thu, nhờ đó, lợi nhuận công ty được mở rộng.
Một điểm đáng chú ý là luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn thu về 178 tỷ đồng doanh thu tài chính nhưng cũng chi ra tới 152 tỷ đồng. Những con số này gấp 2-3 lần so với nửa đầu năm 2021.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn cán mốc 11.531 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt mức 8.018 tỷ đồng, tăng 44%.
Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn đạt mức 3.210 tỷ đồng, tăng 50,5% so với đầu năm. Tại thời điểm 30/6, Vĩnh Hoàn cho đối tác quan trọng tại Mỹ là Coast Beacon nợ từ 1.342 tỷ đồng lên 2.074 tỷ đồng. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này cũng gia tăng hàng tồn kho lên 62%, đạt mức 2.906 tỷ đồng trong quý 2.
Thời điểm cuối tháng 6, đầu tư tài chính ngắn hạn của Vĩnh Hoàn tăng 30%, lên con số 1.659 tỷ đồng. Phần lớn là tiền gửi tại ngân hàng với mức 1.522 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm 2022.
Tại ngày 30/6, Vĩnh Hoàn đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 63 tỷ đồng với các khoản đầu tư chứng khoán vào Công ty CP Đầu tư Nam Long, Đất xanh Service, Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc.