Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm đã lộ diện khi phần lớn doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính. Sự phân hóa diễn ra mạnh mẽ với xu hướng lao dốc của một số doanh nghiệp ngành thép và bất động sản, ngược chiều với sự thăng hoa của nhóm ngân hàng, dầu khí...
Thống kê trên 1.000 doanh nghiệp lớn (đại diện cho 94% vốn hóa toàn thị trường) của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy lợi nhuận khối doanh nghiệp trong nửa đầu năm đã tăng trưởng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng chậm lại
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại đây lưu ý rằng đà tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý II đã giảm tốc khi chỉ còn 13,5% so với con số 36,7% trong quý đầu năm.
Riêng nhóm doanh nghiệp trong rổ chỉ số lớn nhất VN30 ghi nhận sự trái chiều. Lợi nhuận quý II của nhóm này giảm 2,5% so với cùng kỳ bởi sự đi xuống của các công ty đầu ngành như Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), PV Power (POW) hay thậm chí Petrolimex (PLX) thua lỗ do trích lập dự phòng.
Dù vậy, lợi nhuận nhóm vốn hóa lớn vẫn tăng trưởng mạnh 24,1% so với cùng kỳ. Điều này có được là nhờ sự thúc đẩy của những cái tên đáng chú ý của nhóm dầu khí, ngân hàng và hàng hóa như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Gas (GAS), Vietcombank (VCB) và Hóa chất Đức Giang (DGC)...
Trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bắt đầu ghi nhận sức ép từ chi phí tăng và biên lợi nhuận gộp thu hẹp. Lãi ròng của nhóm vốn hóa vừa đã giảm 25,4% so với cùng kỳ, trong khi nhóm vốn hóa nhỏ chỉ nhích lên 3,6% trong quý II.
Bên cạnh đó, VNDirect còn ghi nhận đòn bẩy tài chính của thị trường đã giảm, đi kèm với đà giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong quý vừa qua.
"Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời giới hạn hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại kể từ quý II năm nay để đối phó với lạm phát", VNDirect lý giải.
Thép, bất động sản lao dốc
Trước đây, Vinhomes và Hòa Phát thường xuyên cạnh tranh nhau về vị thế dẫn đầu về lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, biến động của thời cuộc đang khiến cho các ông lớn này thụt lùi so với một số đơn vị khác.
Năm ngoái, Hòa Phát hưởng lợi lớn từ ngành thép bước vào chu kỳ kinh doanh đỉnh cao, giúp lợi nhuận công ty lập kỷ lục hơn 34.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh trong quý đầu năm để đạt hơn 8.200 tỷ đồng, vượt mặt Vinhomes trở thành công ty lãi cao nhất trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đến quý II vừa qua, kết quả kinh doanh của tập đoàn này đã bất ngờ lao dốc do giá thép giảm và chi phí đầu vào tăng cao.
Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đã giảm còn 4.023 tỷ đồng, thấp hơn 59% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ quý IV/2020, phản ánh bức tranh chung ảm đạm của ngành thép bởi các yếu tố thị trường.
Hàng loạt doanh nghiệp khác trong ngành cũng công bố kết quả kinh doanh thất vọng khi xuất hiện dấu hiệu của chu kỳ đi xuống. Lợi nhuận Gang thép Thái Nguyên - Tisco (TIS) - bốc hơi 90%, Thương mại SMC (SMC) mất 70% hay Thép Thủ Đức (TDS) còn ghi lỗ 2 tỷ đồng trong quý gần nhất.
Tương tự, ngành bất động sản cũng đang rơi vào giai đoạn khó khăn sau loạt biến động tiêu cực về thanh tra thị trường trái phiếu, thanh lọc thị trường chứng khoán và siết tín dụng từ phía ngân hàng.
Đại diện lớn nhất là Vinhomes tiếp tục sụt giảm 40% về doanh số và lợi nhuận trước thuế bốc hơi 90% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.257 tỷ đồng. Điều này khiến Vinhomes và cả tập đoàn mẹ Vingroup rơi khỏi top 10 doanh nghiệp lãi tốt nhất trên sàn chứng khoán.
Một số ông lớn bất động sản khác như Novaland (NVL) có mức lãi giảm 41% trong quý II về 1.289 tỷ đồng, lợi nhuận DIC Corp (DIG) đi lùi 43% so với cùng kỳ hay lợi nhuận Đất Xanh (DXG) cũng lao dốc 45%...
Một nhóm ngành khác là chứng khoán còn ghi nhận khó khăn hơn do biến động của thị trường chung. Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào năm ngoái, khối chứng khoán dần rơi vào thế khó khi thị trường diễn biến xấu.
Trong đó, Chứng khoán Apec (APS) trở thành đơn vị kinh doanh kém sắc nhất với mức lỗ trước thuế kỷ lục 442 tỷ đồng, tiếp đến là Chứng khoán SHS (SHS) với con số âm 372 tỷ đồng hay Chứng khoán Rồng Việt (VDS) lỗ 279 tỷ đồng.
Các đại diện lớn nhất như Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận lợi nhuận giảm 17% so với cùng kỳ về 831 tỷ đồng; lợi nhuận Chứng khoán SSI (SSI) suy giảm 26%; Chứng khoán Bản Việt (VCI) giảm 30%...
Dầu khí, ngân hàng lên ngôi
Sự đi xuống của nhóm thép, bất động sản và chứng khoán là cơ hội cho một số nhóm ngành khác vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng về lợi nhuận trên sàn chứng khoán.
Tăng trưởng tích cực nhất đến từ ngành dầu khí do hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng vọt kể từ đầu năm. Một số công ty đã tận dụng cơ hội để ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.
Điển hình nhất là Lọc hóa Dầu Bình Sơn với con số lãi vượt trội 10.466 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái và là công ty duy nhất trên sàn chứng khoán báo lãi trên 10.000 tỷ đồng quý này.
Công ty lý giải mức lãi kỷ lục trên là nhờ giá dầu thô liên tục tăng mạnh lên 123,7 USD vào cuối tháng 6 đã tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chênh lệch giá dầu và sản phẩm (crack margin) cũng mở rộng góp phần tăng hiệu quả hoạt động.
Ông lớn ngành khí là PV Gas cũng đạt kết quả rất cao với mức lợi nhuận vượt 6.400 tỷ, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2021. Con số kỷ lục giúp công ty khí này nhảy vào top 5 doanh nghiệp lãi lớn nhất thị trường.
Các nhà băng cũng vươn lên mạnh mẽ bất chấp lo ngại về nợ xấu và tín dụng sau đại dịch. Trong đó, Vietcombank báo lợi nhuận quý vừa qua cao gấp rưỡi cùng kỳ, đạt 7.423 tỷ đồng và tiếp tục dẫn đầu trong khối ngân hàng.
Những đại diện lớn khác như Techcombank (TCB) cũng ghi nhận mức lãi trước thuế tăng 22% lên 7.321 tỷ; BIDV (BID) cũng đạt mức lãi cao nhất lịch sử tại 6.570 tỷ; hay MBBank (MBB) bứt phá lên mức đỉnh gần 5.987 tỷ đồng.
Lợi nhuận VietinBank thu về được quý gần nhất còn cao gấp đôi cùng kỳ, đạt 5.785 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng. Tương tự, ACB xếp tiếp theo với lợi nhuận gấp rưỡi, đạt hơn 4.900 tỷ đồng.
Bên cạnh ngành ngân hàng và dầu khí, một số nhóm khác cũng có sự bứt phá ấn tượng nhờ hưởng lợi từ các điều kiện thị trường và biến động địa chính trị.
Trong đó, ngành thủy sản hưởng lợi từ nhu cầu thực phẩm tăng vọt trên thế giới. Kéo theo là lãi ròng công ty tôm Sao Ta (FMC) tăng gấp rưỡi lên mức kỷ lục 114 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận của công ty cá tra Vĩnh Hoàn (VHC) cũng gấp 3 lần cùng kỳ, Công ty Thủy sản Nam Việt (ANV) và Công ty Phát triển đa quốc gia IDI (IDI) còn cao gấp 10 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp phân bón như Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (PMP) báo lãi tăng nhiều lần, Đạm Hà Bắc (DHB) chuyển từ lỗ khủng năm ngoái sang có lãi gần 500 tỷ đồng...
Ngành hóa chất ghi nhận sự bứt phá rất nhanh của đại gia Hóa chất Đức Giang với mức lãi gần 2.000 tỷ đồng /quý. Tương tự, Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV) và Hóa chất Việt Trì (HVT) lãi gấp 2-3 lần cùng kỳ. Một số doanh nghiệp cảng biển cũng ghi nhận mức tăng bằng lần do nhu cầu vận tải đường biển cao...