Ngày 23/05/2023, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định số 951/QĐ-NHNN thay đổi mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1-6 tháng từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm và sẽ được áp dụng từ ngày 25/05/2023.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/04/2023 dừng ở 2,57%, giảm mạnh so với mức 6,46% trong cùng kỳ năm 2022. Trong khi, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trong năm 2023. Theo nhận định của Mirae Asset, điều này phần nào cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cũng theo đánh giá của Mirae Asset, việc tiếp tục giảm mức trần huy động ở mức 0,5% sẽ tác động tích cực tới những nhóm ngành có tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
Dựa theo số liệu chốt năm 2022, 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn trước quyết định giảm lãi suất này gồm: Bất động sản, Thép, Thực phẩm, Nuôi trồng nông & hải sản và Xây dựng.
Có nhiều yếu tố tác động tới lợi nhuận trước thuế của các nhóm ngành, nhưng các chuyên gia phân tích của Mirae Asset cho rằng, dựa trên những lần tăng và giảm mức trần huy động trong 5 năm gần đây và thấy được sự tương quan khi lãi suất trong năm 2021 duy trì ở mức thấp và tăng nhẹ so với năm 2020 đã phần nào giúp cho lợi nhuận trước thuế gia tăng.
Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng lãi suất từ 3,5%/năm lên 5%/năm đối với kỳ hạn 1-6 tháng trong năm 2022 cũng là một nguyên nhân khiến cho lợi nhuận các nhóm này biến động mạnh hầu hết đều ghi nhận mức giảm, ngoại trừ nhóm xây dựng vẫn có mức tăng nhẹ với 12,5%.
Đối với việc giảm lãi suất từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm đối với kỳ hạn 1-6 tháng, yếu tố này cũng sẽ có thể tác động tới những nhóm ngành với tổng nợ vay lớn.
Mirae Asset giả định giảm lãi suất huy động có thể kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng cũng được kéo xuống mức thấp hơn 5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa được áp dụng thực hiện từ ngày 15/3/202, theo quyết định số 314/QĐ-NHNN) và kỳ vọng xuống thấp hơn 11% đối với cho vay trung và dài hạn.
Với giả định như vậy công ty chứng khoán này đưa ra một số kịch bản về giảm lãi suất sẽ tác động tới cải thiện lợi nhuận trước thuế của một số ngành cho nửa cuối năm 2023.
Theo đó, ước tính mức lãi suất cho vay giảm sẽ tác động tích cực gia tăng lợi nhuận trước thuế ở một số nhóm ngành có tỷ lệ nợ vay lớn gồm: Bất động sản, Thép, Thực phẩm, Nuôi trồng nông & hải sản và Xây dựng.
Mirae Asset dùng lợi nhuận trước thuế 2022 làm cơ sở ước tính. Với kịch bản trung tính nhất ở mức giảm lãi suất cho vay xuống 0,5%, sẽ giúp cho ngành Thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2%, và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%. Trong khi đó; Bất động sản cải thiện 1,2%; Xây dựng 3,2% và Nuôi trồng thủy hải sản 2,3%.
"Có thể trong ngắn hạn việc giảm lãi suất phần nào sẽ giúp cho lợi nhuận của các nhóm ngành nêu trên được cải thiện bù đắp trong bối cảnh những yếu tố đầu vào có thể bị tác động tiêu cực bởi việc tăng giá điện 3% ngược chiều", các chuyên gia phân tích của Mirae Asset nhấn mạnh.